Nghệ thuật từ vỏ cây khô

Minh Xuân (VTV9)Cập nhật 14:02 ngày 26/02/2021

VTV.vn - Bảo vệ môi trường có thể không nhất thiết là một dự án to tát hoặc một công nghệ đắt tiền, mà đó là thể là tận dụng những thứ có thể bỏ đi, ở xung quanh ta.

Vườn chuối chính là nơi anh Lê Hoàng Nhân ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang thường đến để tìm chất liệu làm tranh. Bẹ chuối khô không có nhiều màu nên phải tìm lâu và kỹ mới được như ý. Công đoạn làm tranh cũng tốn không ít công sức và thời gian vì cần có cảm hứng sáng tác, khéo tay và kinh nghiệm. Chậm rãi từng chút một, những miếng bẹ chuối khô rồi cũng vào đúng vị trí, bố cục, tạo nên những mảng màu sáng tối.

Còn ông Hà Văn Thương ở quân Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ thì biến những thô ráp của vỏ tràm khô thành đường nét mềm mại của nghệ thuật. Là cán bộ hưu trí, suốt mười mấy năm nay ông Thường tìm thấy niềm vui từ công việc không lời mà nhiều ý này. Vật chất vô tri chỉ có tương phản đậm - nhạt, nhưng qua đôi tay kiên nhẫn và góc nhìn đầy tâm huyết của người nghệ nhân, lại bừng lên những đường nét thi vị.

Không chỉ khó làm, mà tâm ý của người họa sĩ truyền tải trong mỗi bức tranh từ vỏ tràm – bẹ chuối đôi khi không phải ai cũng có thể hiểu. Đó cũng là lý do khiến dòng tranh này, dù mới lạ và hấp dẫn vẫn có phần kén khách. Nhưng cũng như tác phẩm của mình, thường không rực rỡ bắt mắt, những người nghệ nhân làm tranh từ vỏ cây khô vẫn miệt mài làm đẹp cuộc sống bằng những gì mộc mạc nhất. Ở vùng đất Tràm Chim, Đồng Tháp cũng có một người chuyên làm tranh về vỏ tràm, nhưng khác hơn là các đề tài của ông tập trung về loài sếu đầu đỏ. Loài động vật quý hiếm này được xem là là sứ giả của môi trường. Thế nên, với người giáo viên làm tranh vỏ tràm ở xứ sở sen hồng, những bức tranh vỏ tràm về sếu cũng chính là sự nhắc nhở về việc gìn giữ và bảo vệ môi trường.

Đó là câu chuyện của thầy giáo Nguyễn Văn Cảnh. Đến nay, những bức tranh từ vùng đất Tràm Chim, Đồng Tháp đã đến nhiều quốc gia ở Châu Âu và Châu Mỹ la tinh. Đôi tay người thầy giáo tài hoa còn tận tình chỉ dạy thêm nhiều thế hệ tiếp nối môn nghệ thuật này. Không dừng lại ở đây, mong muốn lớn nhất của thầy giáo Cảnh là xây dựng một làng nghề tranh vỏ tràm, đặc biệt là tranh về loài sếu. Từ đây, du khách sẽ biết, sẽ thích và sẽ tìm về Tràm Chim nhiều hơn, thu nhập từ du lịch của bà con địa phương vì thế cũng tăng theo. Với người thầy giáo này, làm tranh còn vì cộng đồng./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.