2/3 thu nhập hàng tháng của 1 cặp vợ chồng công nhân có 2 con đang ở độ tuổi mầm non là dành cho nhà ở và tiền học cho con. Đây là bài toán chung của không chỉ 1 gia đình mà còn của 300.000 công nhân đang làm việc tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP.HCM. Phải kể đến, có gần 11% trẻ mầm non là con công nhân được nhận giữ ngoài giờ hay ngày thứ 7, hơn nữa, con trẻ ở độ tuổi mầm non, vừa phải sống trong những nhà trọ ẩm thấp, vừa không có người chăm sóc khi cha mẹ phải tăng ca để có thêm thu nhập.
Mất gần 10 năm, mô hình giữ trẻ ngoài giờ đã được triển khai ở một số khu công nghiệp chế xuất tại TP.HCM, điển hình như khu lưu trú công nhân Thiên Phát, trường mầm non nằm ngay tầng trệt của chung cư, đón con và về nhà chỉ trong vài bước chân. Giờ về của những em nhỏ có mẹ không tăng ca cũng là giờ ăn của các bé mà mẹ còn phải ở lại công ty. Vì ở trường mầm non đặc biệt này, trẻ được nhận giữ từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối. Chi phí giữ ngoài giờ chỉ có 10.000 đồng/trẻ/buổi cộng thêm từng đó tiền cho bữa ăn nhẹ, vì vậy, ba mẹ các bé hoàn toàn yên tâm tăng ca.
Mô hình này đã gỡ được cái khó về chính sách khi mà các trường công lập vẫn chưa làm được. Đó là cái khó về kinh phí làm ngoài giờ cho các cô giáo. Chỉ với 10.000 đồng thu phí từ phụ huynh, tức là chỉ bằng 1/10 so với các trường tư hay nhóm trẻ gia đình, giáo viên trực tiếp giữ trẻ được hưởng 1 nửa.
Để cho những căn hộ sáng đèn hạnh phúc mỗi khi tan làm là những nỗ lực không mệt mỏi của những ngừoi điều hành, quản lý khu lưu trú. Nhưng điều quan trọng hơn cả là mô hình này mang lại hiệu quả xã hội đúng như định hướng của thành phố nghĩa tình, khi mà 70% lao động hiện nay là người nhập cư đang gặp khó khăn về nhà ở và trường học cho con ở độ tuổi mầm non.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!