Trang trại ông Nguyễn Văn Hưng, xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng thời điểm trước dịch, luôn có gần 1.000 heo thịt và hơn 100 heo nái, thế nhưng, nhiều tháng nay, phải bỏ trống. Dù chuồng trại đạt chuẩn, địa phương cũng đã công bố hết dịch, nhưng không có heo giống, việc tái đàn nằm ngoài khả năng.
Theo khảo sát, giá lợn giống loại 7 kg/con khoảng 3,2 triệu đồng; 20 kg/con có giá 4,3 triệu đồng. Nguồn lợn giống của công ty đạt chuẩn rất khan hiếm; riêng giống “trôi nổi” bên ngoài thì không rõ nguồn gốc, không đảm bảo, dễ phát sinh dịch bệnh trở lại. Do đó, cùng với những quy định chặt chẽ khi tái đàn sau dịch và khả năng về vốn, rất ít hộ chăn nuôi có khả năng tái đàn.
Xã Liên Hiệp có hơn 160 hộ và 40 trang trại chăn nuôi heo. Không mua được heo giống vì hiếm mà giá lại cao, đến nay, chỉ một nửa số hộ và trang trại tham gia tái đàn. Người chăn nuôi vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn ở phía trước.
Chưa khi nào, dịch tả heo châu Phi hoành hành và kéo dài như thời gian qua. Chỉ riêng năm 2020, dịch tả heo đã tái phát tại 20 tỉnh, thành buộc tiêu hủy đến 4.000 con.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ không giới hạn số lượng heo giống nhập khẩu vào Việt Nam mà để thị trường tự điều tiết. Hiện có khoảng 120.000 con heo giống đã được các doanh nghiệp đăng ký nhập vào Việt Nam. Số heo giống này có nhiều kích cỡ từ 10kg tới 100kg, nhiều chủng loại từ ông bà bố mẹ cụ kỵ để sản sinh ra heo thương phẩm, góp phần giúp công tác tái đàn nhanh và tái đàn bền vững. Dự kiến trong tháng 6, toàn bộ số heo giống sẽ về tới Việt Nam. Thị trường nhập khẩu heo giống chủ yếu là đến từ Thái Lan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!