Với tập quán canh tác truyền thống, mỗi năm ngành Nông nghiệp ĐBSCL phải tiêu tốn một lượng nước khoảng 40 tỉ m3 cho cây lúa. Nếu ứng dụng kĩ thuật tưới ngập khô xen kẽ, vùng châu thổ này sẽ tiết kiệm khoảng 40%, tương đương trên 16 tỉ m3 nước. Bên cạnh áp dụng mô hình canh tác tiết kiệm nước, việc nghiên cứu, lai tạo ra các giống lúa có khả năng chịu mặn cũng được xem là lối ra cho người trồng lúa ở ĐBSCL ở thời điểm hiện tại.
Trong những năm qua, vựa lúa của cả nước bị hạn, mặn tấn công gay gắt. Chính vì vậy, việc nhà khoa học cùng nông dân và ngành nông nghiệp các địa phương nỗ lực phối hợp để tìm ra những phương pháp canh tác tiết kiệm nước và các giống lúa mới có khả năng chống chịu hạn, mặn cao được xem là một trong những giải pháp mang tính bền vững để giúp nông dân có thể sống chung với hạn mặn.
Bên cạnh nghiên cứu các phương thức sản xuất mới, lai tạo những giống lúa phù hợp cho vùng hạn mặn, các địa phương còn mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất canh tác lúa kém hiệu quả để trồng cây ăn trái. Ở những vùng ven biển bị ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn, vùng rốn phèn, người dân đã chủ động chuyển sang những cây trồng phù hợp. Thực tế đã có các giống cây mới phát triển tốt trên những vùng đất này.
Theo các nhà khoa học, việc hoạch định chiến lược phát triển cây trồng phù hợp theo từng tiểu vùng sinh thái gắn với chiến lược phát triển công nghệ chế biến, tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao trong xuất khẩu sẽ tạo sự phát triển bền vững, ổn định cho ĐBSCL. Xu thế đó cũng đang dần hình thành tại thủ phủ trái cây miền Tây, nhất là sau khi Nghị quyết 120 đi vào thực tiễn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!