Nhu cầu sử dụng năng lượng, cụ thể là sử dụng điện tăng hàng năm. Trong khi đó, các nguồn năng lượng như: hóa thạch, dầu khí ngày càng cạn kiệt. Do đó, việc phát triển năng lượng tái tạo đang là hướng đi được nhiều quốc gia hướng đến, trong đó có Việt Nam. Việc hàng loạt dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời được cấp phép đầu tư xây dựng và đi vào vận hành trong thời gian gần đây cho thấy, phát triển năng lượng tái tạo là hướng đi phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững.
Nhờ đổi mới công nghệ và chính sách phát triển của mỗi quốc gia, chi phí lắp đặt điện gió và điện mặt trời giảm mạnh so với những năm trước đó. Điều này cho thấy đầu tư năng lượng tái tạo có thể trở thành sự lựa chọn ít tốn kém nhất. Bên cạnh đó, các nguồn năng lượng truyền thống như: than đá, dầu mỏ khan hiếm, ô nhiễm môi trường do đốt nhiên liệu gây ra buộc các quốc gia phải tìm nguồn năng lượng sạch để thay thế. Việc sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời được xem là lựa chọn tối ưu để bảo vệ môi trường.
Nắng nhiều, gió lớn là điều kiện cần thiết để sản xuất ra điện. Tuy nhiên, để nguồn điện lấy từ năng lượng sạch này góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở những địa phương có lợi thế về nắng và gió, cần hội tụ nhiều yếu tố. Trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố hàng đầu.
Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực cho ngành năng lượng tái tạo là điều dễ hiểu bởi đây là một ngành rất mới với không chỉ tỉnh Ninh Thuận mà của cả nước. Hiện tại, việc phát triển ngành này vẫn chưa có một định hướng rõ ràng, cụ thể. Trong khi đó, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, kể cả các trường điện lực cũng chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!