Vào tháng 9 năm ngoái, một số cán bộ, nhân viên tại trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội bị phát hiện: thường xuyên tuồn hàng từ thiện do các tổ chức cá nhân trao tặng ra bên ngoài. Thời điểm bị phát hiện, hàng được tuồn ra ngoài bằng cổng sau của trung tâm, chủ yếu là bim bim, bánh trung thu, gạo....Chẳng ai dám chắc, đó là lần đầu tiên diễn ra vụ việc do các đối tượng thực hiện. Chỉ biết là lòng tin của những nhà hảo tâm bị vơi dần.
Trước đó 4 năm, vào năm 2015, Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An phát hiện Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đã bớt xén gần 800 triệu đồng của người nghèo. Số tiền này lẽ ra được dùng để trang thiết bị, mua thực phẩm cho các đối tượng này.
Không chỉ vi phạm quy định pháp luật, những hành vi trục lợi của các nhân viên, cán bộ trung tâm bảo trợ xã hội còn vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp, quy định của ngành và hơn cả gây dư luận không tốt đối với cơ sở bảo trợ xã hội. Câu hỏi đặt ra, phải chăng do quy trình tiếp nhận và quản lí quà từ thiện chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng lợi dụng, làm giảm lòng tin của xã hội. Là người nghĩ ra cây ATM gạo đầu tiên trên cả nước, và đến nay đã có hơn 30 cây ATM gạo thành hình ở nhiều địa phương, theo anh Hoàng Tuấn Anh, để quản lí quà từ thiện hiệu quả yếu tố cần đầu tiên là sự minh bạch.
Khác với các hoạt động thiện nguyện mang yếu tố cá nhân, các tổ chức xã hội nhân đạo dưới sự quản lí nhà nước đều có quy trình tiếp nhận và quản lí quà từ thiện. Quy trình này được xây dựng trên quy định pháp luật. Tuy nhiên, để tránh quà từ thiện sử dụng sai mục đích, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Ngoài cái tâm, người lãnh đạo phải biết điều phối phù hợp với từng loại quà để quà vừa đến đúng đối tượng lại phát huy hiệu quả sử dụng.
Một trong những vấn đề hiện nay là có quá nhiều tổ chức từ thiện đang hoạt động. Sự tách biệt của các đơn vị lại không rõ ràng, gây khó cho việc quản lí của cơ quan nhà nước. Từ sự lỏng lẽo này, mà một số cán bộ, nhân viên tổ chức nhân đạo xã hội đã trục lợi. Vì thế, theo nhiều chuyên gia, khâu kiểm tra, giám sát cần phải được quy trình định rõ trong quy trình tiếp nhận, sử dụng quà từ thiện. Có như thế mới hạn chế tiêu cực.
Từ thiện là việc làm từ tâm. Từ tâm ấy không chỉ bắt đầu bằng những người cho đi, mà đến cả từ người nhận. Một vài cá nhân làm sai, nhưng hệ quả là đã giảm đi lòng tin của xã hội đối với hàng loạt đơn vị hoạt động thiện nguyện. Và tệ hơn là làm mất đi cơ hội được "nhận" của những người nghèo cần sự giúp đỡ thực sự./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!