Rút ngắn quy trình bồi thường, giải tỏa bằng cơ chế đặc thù cho TP.HCM

Nguyễn Hằng - Hữu Thành - Minh Hải (VTV9)Cập nhật 09:10 ngày 24/10/2019

VTV.vn - Bồi thường là nút thắt đầu tiên phải mở để rút ngắn quy trình bồi thường-giải tỏa-tái định cư phục vụ các dự án lớn. Đâu sẽ là “chìa khóa vàng” để TP.HCM mở cánh cửa này?

Từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, có thể thấy rõ những tín hiệu tích cực đặc biệt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư khi Nhà nước cần thu hồi đất để phục vụ cho các dự án dân sinh. Đó là sự rõ ràng hơn trong quy định trình tự, thủ tục thực hiện. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, cùng sự phức tạp của thị trường bất động sản, vẫn có nhiều điểm chưa sát với thực tiễn triển khai. Và một trong những vấn đề đang kìm hãm sự phát triển của các đô thị như TP.HCM chính là việc xác định giá đất để bồi thường, giải tỏa.

Nếu giá đền bù không thỏa đáng, người dân không đồng thuận để di dời, nhường đất cho dự án. Tuy nhiên, như thế nào là thỏa đáng lại là một bài toán không dễ giải. Không tìm được đơn vị tư vấn thẩm định giá, thị trường bất động sản không minh bạch, trong khi việc thẩm định giá lại đang được các địa phương giao cho Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận huyện, mô hình chưa có trong quy định pháp luật, phải tự chủ về tài chính, nên khó lại càng khó hơn.

TP.HCM đã kiến nghị với Chính phủ về việc cho phép thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất quận, huyện trên cơ sở Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận, huyện. Cơ sở pháp lý của cơ quan sự nghiệp này là nền tảng nhằm xây dựng quy chế phối hợp để áp dụng cho các cơ quan, tổ chức Nhà nước, qua đó cán bộ đo đạc, tái định cư, các phòng, ban của quận, huyện cho đến Sở, ngành triển khai theo hướng phân nhiệm minh bạch. Bên cạnh đó, việc này còn góp phần giảm đáng kể thời gian, nhân lực khi thành phố được chủ động ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hàng năm, làm cơ sở lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện được ủy quyền cân đối mặt bằng giá bồi thường, đồng thời được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất đối với các dự án nhóm C.

700 dự án mới là con số bình quân mỗi năm của TP.HCM. Tương ứng với con số này sẽ là từng ấy hồ sơ cần thẩm định giá đất để bồi thường, giải tỏa. Nếu như chưa có cơ chế đặc thù, chỉ có một cửa duy nhất để thực hiện là Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, quá tải dẫn đến thời gian xử lý kéo dài là điều dễ hiểu. Trên thực tế, có những dự án khi có quyết định bồi thường cũng là lúc chênh lệch giá giữa bồi thường và thực tế đã không còn ở mức chấp nhận được. Vì vậy, việc ủy quyền sẽ không chỉ giảm tải cho cơ quan Nhà nước mà còn giúp cho quá trình từ đền bù sang bồi thường đạt được mục tiêu sát với thực tiển để tăng hiệu lực khả thi của luật.

Cơ chế đặc thù này theo ước tính sẽ rút ngắn quy trình bồi thường - giải tỏa - tái định cư xuống còn trung bình 300 ngày/dự án. Điều này rất có ý nghĩa khi hàng loạt dự án lớn của TP.HCM như: đường vành đai 2, hầm chui An Sương hay Quốc lộ 13, dự án chống ngập 10.000 tỷ trong nhiều năm nay vẫn chưa thể hoàn thành vì vướng giải phóng mặt bằng. Cơ chế đặc thù trong bồi thường, giải phóng mặt bằng chính là điều không chỉ chính quyền mà người dân TP.HCM rất mong muốn được Chính phủ sớm ban hành nghị quyết chấp thuận để thực hiện, tháo gỡ những khó khăn, bởi TP.HCM phát triển luôn là vì cả nước và cùng cả nước.


TP.HCM đề xuất áp giá thị trường khi bồi thường giải phóng mặt bằng làm dự án TP.HCM đề xuất áp giá thị trường khi bồi thường giải phóng mặt bằng làm dự án

VTV.vn - Cho phép sử dụng thông tin giao dịch thị trường thực tế làm cơ sở xác định giá đất để tính bồi thường cho người dân tại thời điểm có chủ trương thực hiện dự án.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.