Cụ thể, trong năm nay mức học phí cao nhất là 70 triệu đồng/năm với ngành Răng Hàm Mặt và 68 triệu đồng/năm đào tạo Y khoa. So với những năm học trước, mức học phí mới này tăng gấp 3 - 5 lần, tùy theo từng ngành. Không riêng Trường Đại học Y Dược TP. HCM, năm nay khối ngành sức khỏe ở nhiều trường Đại học khác cũng tăng học phí. Cụ thể: khoa Y thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM điều chỉnh mức học phí dao động từ 55 triệu đến 88 triệu đồng/năm. Mức học phí mới của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tăng từ 19,2 triệu đồng/ năm lên 24 triệu đồng/năm. Ở khối ngành kĩ thuật: Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật cũng dự kiến tăng học phí, dao động từ 17,5 triệu đồng đến 32 triệu đồng/năm, tức tăng 1-2 triệu đồng so với năm học trước. Mức học phí Trường Đại học Luật TP.HCM áp dụng trong năm nay dao động từ 18 triệu đồng - 49,5 triệu đồng/ năm, tăng 1 triệu đến 5 triệu đồng tùy từng ngành. Trường Đại học Công nghệ Thông tin TP.HCM cũng có sự điều chỉnh mức học phí trong năm học này.
Theo nhiều chuyên gia, việc tăng học phí còn góp phần tạo sự công bằng trong việc tiếp cận đại học tại Việt Nam, nhất là với sinh viên nghèo. Bởi, nếu học phí thấp, các trường không đủ nguồn thu để cấp học bổng cho sinh viên. Vì thế, chỉ sinh viên từ gia đình khá giả mới vào đại học, và chi phí đào tạo các sinh viên này lại được nhà nước bao cấp là chủ yếu. Tăng học phí là điều không thể tránh khỏi khi các trường Đại học áp dụng cơ chế tự chủ. Tuy nhiên, đây chưa phải là điều kiện tiên quyết để quyết định chất lượng đào tạo. Vì thế, song song với tăng học phí, các trường cần sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao trách nhiệm xã hội để đảm bảo chất lượng đào tạo và khả năng tiếp cận đại học của người học.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!