Thách thức trong xử lý dự án du lịch treo tại "thiên đường du lịch" Ninh Thuận

Tấn Quýnh - Phạm Việt (VTV9)Cập nhật 09:57 ngày 18/10/2019

VTV.vn - Tại tỉnh Ninh Thuận, đồng hành với sự hiện diện của các dự án du lịch có tầm cỡ lại là nỗi lo về tiến độ, thậm chí nguy cơ xuất hiện những dự án treo.

Có một cụm từ mà mỗi khi nhắc đến nhiều người lại thở dài ngao ngán, đó chính là "dự án treo". Nỗi khổ của người dân khi sống trong khu vực dự án treo đã được nói đến nhiều, nhưng đó chưa phải là tất cả. Khi càng chậm tiến độ, dự án càng phát sinh thêm nhiều hệ lụy như: tài nguyên đất đai bị lãng phí, cơ hội phát triển bị bỏ lỡ. Có thể thấy ngay những bức xúc như vậy tại một nơi từng được ví là "thiên đường du lịch" ở Ninh Thuận. Đó chính là khu vực biển Bình Tiên, nơi mà hơn 10 năm nay có một dự án du lịch triển khai vô cùng ì ạch. Thậm chí, nhiều người xem đây như là điển hình của dự án treo.

"Mỏ vàng trên cát"- nhiều người đã so sánh như vậy khi nói đến tiềm năng du lịch của tỉnh Ninh Thuận. Để khai thác tiềm năng này, chủ trương của tỉnh Ninh Thuận là tập trung thu hút những dự án du lịch quy mô lớn. Hiện tại, đã có 40 dự án du lịch được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc đã đồng ý chủ trương và chấp thuận địa điểm. Các dự án này tập trung vào phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp. Nhiều dự án có quy mô lớn, vốn đầu tư từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, những dự án quy mô lớn thường kéo theo những khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai và điều này dễ dẫn đến tiến độ dự án bị chậm, xảy ra tình trạng dự án treo. Đây cũng là thực tế chung ở nhiều địa phương trên cả nước. Thống kê chưa đầy đủ, trên cả nước có hàng nghìn dự án chậm triển khai. Nguyên nhân chính là các nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính, kinh nghiệm, thủ tục phê duyệt dự án, cấp phép xây dựng bị ách tắc, những vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng.

Giải pháp mà tỉnh Ninh Thuận đưa ra để xử lý các dự án treo được bắt đầu ngay trước khi cấp phép cho các nhà đầu tư, đó là xây dựng bộ lọc các nhà đầu tư, chỉ chọn lựa nhà đầu tư có thực lực. Bên cạnh đó, biện pháp không thể thiếu chính là hậu kiểm sau khi cấp phép, nghĩa là cơ quan quản lý thường xuyên giám sát tiến độ, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh cũng như kiên quyết xử lý nếu dự án chậm tiến độ.

Luật Đất đai năm 1993, năm 2003 hoặc 2013 đều quy định, nếu dự án quá một năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng so với tiến độ được duyệt sẽ bị thu hồi. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu các cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ tiến độ dự án và xử lý đúng quy định, chắc chắn sẽ chấm dứt được tình trạng dự án treo. Nói cách khác, các giải pháp xử lý dự án treo có khả thi hay không còn phụ thuộc vào sự công tâm, nghiêm túc thực thi quy định pháp luật trong lĩnh vực thu hút dự án đầu tư.


Có dự án treo đến gần 30 năm, bảo sao dân bức xúc! Có dự án treo đến gần 30 năm, bảo sao dân bức xúc! Cần xử lý dứt điểm dự án treo tại đô thị Cần xử lý dứt điểm dự án treo tại đô thị Phản hồi về dự án 'treo' 20 năm ở Hải Phòng Phản hồi về dự án "treo" 20 năm ở Hải Phòng


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.