Tại Manila, Philippines, nơi Việt Nam không chỉ gặt hái thành công vang dội về thể thao trước đó, ở lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, lần đầu tiên sản phẩm gạo ST25 đã vượt qua hàng loạt đối thủ để đạt danh hiệu Gạo ngon nhất thế giới năm 2019 tại Hội nghị Thương mại Gạo Thế giới lần thứ 11.
Như vậy, sau hơn 10 năm chờ đợi, chất lượng hạt gạo Việt Nam đã được thế giới chính thức công nhận. Danh hiệu lần này giúp hạt gạo nước ta tự tin hơn trong việc tìm cho mình một chỗ đứng vững chắc trên bản đồ lúa gạo thế giới và quan trọng hơn là xây dựng được thương hiệu gạo ngon Việt Nam. Vẫn còn rất nhiều việc mà ngành lúa gạo Việt Nam phải làm, trong đó cấp bách nhất là phải sớm công nhận giống lúa này để hoàn thiện cơ sở pháp lý và nhân rộng cho người dân sản xuất.
Tin vui là trong buổi làm việc biểu dương nhóm tác giả nghiên cứu giống lúa ST25 tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết sẽ công nhận đặc cách giống lúa ST25. Như vậy, giống lúa ST25 sẽ không phải trải qua các bước như: sản xuất khảo nghiệm, đánh giá và xem xét công nhận với thời gian thực hiện từ 4 - 5 năm mà được công nhận ngay trong năm 2019. Cùng với việc công nhận đặc cách, các Bộ, ngành liên quan sẽ có những cơ chế, chính sách hỗ trợ nhóm tác giả bảo hộ bản quyền và tiếp tục nghiên cứu, phát triển nguồn lúa giống chất lượng cao này.
Theo nhóm tác giả, ST25 là giống lúa cao sản có thể trồng 2 - 3 vụ/năm, trong khi gạo thơm Thái Lan chỉ sản xuất được 1 vụ/năm. Đây là lợi thế lớn, nhưng để thương hiệu sản phẩm này vươn xa hơn, yếu tố quan trọng là phải định hướng sản xuất một cách bền vững với ST25. Ngoài việc đảm bảo chất lượng thật tốt, một sản phẩm để có thương hiệu phải có điểm nhấn riêng biệt và không thể bị lẫn lộn bởi hàng nhái, hàng giả…
Chỉ vài tháng sau công bố, trên thị trường đã xuất hiện nhiều sản phẩm nhái, giả thương hiệu ST25. "Cơn sốt" ST25 vừa qua đã chỉ rõ sự bát nháo của thị trường. Thương hiệu gạo ST25 đang bị vị phạm bản quyền một cách nghiêm trọng khi nó được đánh đồng với những sản phẩm nhái, kém chất lượng. Do đó, các Bộ, ngành Trung ương cần sớm có cơ chế, chính sách để bảo hộ và phát triển thương hiệu gạo ngon ST25 ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Sẽ không quá khó nếu ngành hàng này sớm xây dựng và thống nhất được quy định sản xuất, thương mại đi theo một quỹ đạo bền vững. Có như vậy thương hiệu sản phẩm gạo ngon Việt Nam như ST25 mới mong được vươn xa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!