Mặc dù phải chờ thời gian dài để phát huy hiệu quả, nhưng bù lại giải pháp này sẽ góp phần tiết kiệm rất lớn nguồn ngân sách. Câu chuyện ở Bạc Liêu là một ví dụ điển hình.
Năm 2016, 150 héc ta rừng được trồng tại các địa phương ven biển tỉnh Bạc Liêu. Đến nay cây đã cao khoảng 3 mét, tạo nên một màu xanh bạt ngàn dọc các bãi bồi. Theo các chuyên gia, việc trồng rừng gây bồi chi phí đầu tư sẽ giảm so với việc xây kè cứng bảo vệ bờ biển. Với 3 năm trồng thì vạt rừng mắm đã phát triển khá rộng và dày. Với hệ thống rễ thở dày đặc đan xen nhau thì khả năng giữ đất gây bồi rất hiệu quả.
72 héc ta rừng mắm tại xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải đã tạo nên một lớp rào dày hơn 500 mét bảo vệ đê biển. Theo người dân khu vực này đã được bồi rất nhiều. Những cây mắm theo đất lấn dần ra biển.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, địa phương có 52km bờ biển, trong đó 60% có thể trồng rừng gây bồi. Chính vì địa hình và điều kiện thủy văn phức tạp mà hiện nay tại ĐBSCL chỉ khoảng 30% đất ven biển có thể trồng rừng. Do đó, mặc dù ít tốn kém, mang lại hiệu quả cao, nhưng giải pháp trồng rừng gây bồi vẫn không thể áp dụng đại trà tại các địa phương trong khu vực.
Thực trạng xói lở bờ biển đang diễn ra nhức nhối tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, các công trình kè biển để ứng phó đồng bộ thì đang thiếu trầm trọng nguồn vốn. Nhiều chuyên gia khuyến cáo các địa phương cần linh động hơn trong những giải pháp. Nơi nào phù hợp thì triển khai giải pháp phi công trình, kè mềm gây bồi tạo bãi để khôi phục diện tích rừng phòng hộ. Nơi nào cần đầu tư kè cứng thì nghiên cứu triển khai đồng bộ để tránh trượt giá gây lãng phí và đảm bảo chất lượng công trình.
Sống liều trên đê lở ở ĐBSCL VTV.vn - Nỗi ám ảnh sạt lở đe dọa tính mạng, mất nơi ở đang hiển hiện với hàng chục ngàn hộ dân ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!