Sạt lở đê biển ở ĐBSCL đã diễn ra hàng chục năm qua. Tuy nhiên, các công trình chống sạt lở thi công, triển khai quá chậm, chưa đồng bộ để phát huy hiệu quả. Tại Vàm Kim Quy, xã Vân Khánh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, 1 đoạn đê quốc phòng gần 200m bị sóng biển cắt đứt. Nhiều đoạn xung yếu bị sóng đánh nham nhở, có thể bể bất cứ lúc nào. Tỉnh Kiên Giang kiến nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 100 tỷ để bảo vệ tuyến đê này từ nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa được bố trí.
Sạt lở liên tục khiến hơn 40km đê biển Tây thuộc tỉnh Cà Mau đứng trước nguy cơ bị phá vỡ. Sóng biển ngày đêm khoét sâu, thân đê ngày càng bị bào mòn. Địa phương cần hơn hơn 90 tỷ để gia cố. Thế nhưng, tỉnh chỉ ưu tiên những nơi cấp bách nhất.
Biển ngày càng xâm thực sâu vào đất liền ở ĐBSCL
Quyết định 667 năm 2009 của Chính phủ về nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang. Tiền Giang được phân bổ gần 900 tỷ đồng thi công kè chống xói lở 21 km bờ biển thuộc huyện Gò Công Đông. Sau 10 năm, chỉ khoảng 1/3 chiều dài kè biển được triển khai.
Ngoài việc chi thường xuyên theo kế hoạch, năm 2018 vừa qua, trung ương quyết định bổ sung 2.500 tỷ đồng ứng phó sạt lở khẩn cấp tại ĐBSCL. Tuy nhiên với tốc độ và quy mô xâm thực tràn lan như hiện nay, nguồn vốn đó vẫn chưa đủ để ứng phó với sạt lở. Thiếu vốn khiến tình trạng xói lở bờ biển tại ĐBSCL ngày càng lan rộng đến mức báo động. Toàn vùng hiện có hơn 100 km đang ở mức cực kỳ nguy hiểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!