Vỡ mộng ôm tiền thật đầu tư tiền ảo dỏm

Uyên Phương (VTV9)Cập nhật 21:10 ngày 22/08/2020

VTV.vn - Câu chuyện đầu tư tiền ảo tại Việt Nam không mới và hiện tượng lợi dụng biến tướng để lừa gạt người dân cũng vậy. Thế nhưng nhiều người vẫn đổ tiền vào, vì sao?

Năm 2016, chỉ từ những lời kêu gọi từ bạn bè, từ những hứa hẹn như "chỉ cần 10 triệu đồng có thể thành 1 triệu đôla sau 3,5 năm" từ hệ thống Bitkingdom Việt Nam do Lê Đức Nguyên kêu gọi, người đàn ông này đã tin tưởng dốc toàn bộ tiền tiết kiệm để mua 60 bitcoin với giá trị 12 triệu đồng/bitcoin, với cam kết lợi nhuận 30%/tháng chưa kể nếu kêu gọi thêm người tham gia sẽ được nhận hoa hồng cao tăng dần trên 10%. Hình thức là anh chỉ cần bỏ tiền thật để mua bitcoin rồi lập tài khoản và chuyển bitcoin về trang web Bitkingdom. 3 tháng đầu anh vẫn nhận lãi đều đặn theo cam kết và vì tin tưởng anh đã dùng khoản đó để tái đầu tư. Thế nhưng, đến tháng thứ 4 thì mọi chuyện đã khác.

Toàn bộ số tiền của anh và nhóm anh đã đầu tư để mua 262 bitcoin đã bỗng dưng biến mất trước sự ngỡ ngàng. Nạn nhân còn cho biết, mỗi lần ở đây tổ chức hội thảo đều có hàng ngàn nhà đầu tư tham gia. Và đến lúc này chưa thể thống kê hết nhưng tính sơ bộ số tiền đầu tư phải lên đến hàng trăm tỷ đồng. Bởi chỉ riêng một nhóm kiện ở tờ đơn tố cáo này đã bị mất gần 2.700 bitcoin - nếu tính giá bitcoin của ngày hôm nay thì đã bốc hơi trên 700 tỷ đồng.

Suốt 4 năm qua, những nạn nhân của tiền ảo đành ngậm ngùi chua xót vì không biết kêu cứu ở đâu và cũng như không còn một giấy tờ gì để chứng minh là mình bị lừa gạt, ngoài những trang giấy vô nghĩa để viết tên và pass đăng nhập vào hệ thống.

Có thể thấy rõ, hệ thống này từ đầu đã có một quy trình chiếm đoạt tiền rất tinh vi. Đó là dụ nhà đầu tư đổi tiền thật sang tiền ảo có giá trị, sau đó lấy tiền ảo này đổi sang tiền ảo dỏm. Và cuối cùng người đứng đầu hệ thống sẽ ôm trọn tiền ảo xịn rồi đánh sập sàn hoặc đưa giá trị tiền ảo nội bộ không có giá trị tụt dốc nhanh chóng, thậm chí về 0%. Đây cũng là chiêu trò mà nhiều hệ thống như Wefinex, IBG, Myaladdinz, Cashbackfro, ifan... đã từng áp dụng và chiếm đoạt hàng chục ngàn tỷ đồng của nhà đầu tư.

Với những hứa hẹn đầy nhân văn như giúp cộng đồng thoát nghèo, cho đi và nhận lại, nhưng câu chuyện thực tế thì lại quá phũ phàng, các nhà đầu tư chỉ có cho đi và bỗng dưng rơi vào cảnh nghèo khó, túng quẫn. Đến nỗi họ đã làm liều khi tháng 5 vừa qua một nhóm nạn nhân đã bắt cóc gia đình ông Lê Đức Nguyên - người đưa hệ thống Bitkingdom về Việt Nam để lấy lại số tiền ảo trị giá 35 tỷ đồng và ép nhà ông Nguyên chuyển 9,5 triệu USD để đòi lại số tiền đã mất của mình. Tuy nhiên, hành động này đã đẩy nhà đầu tư từ người bị hại trở thành phạm tội. Theo các chuyên gia kinh tế, 100% vụ đầu tư tiền ảo hiện nay hầu hết là biến tướng và việc để đòi lại quyền lợi là bất khả thi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.