Đầu tháng 5, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã kết luận, bức tranh bị hư hại 30% cả "phần xác lẫn phần hồn". Nguyên nhân là do việc bảo quản, vệ sinh đã được giao cho một thợ sơn mài và người này đã dùng nước rửa chén, bột chu, giấy ráp 2000 can thiệp vào mặt tranh.
Ngay cả họa sỹ Nguyễn Xuân Việt, người học trò có vinh dự được danh họa Nguyễn Gia Trí, tác giả của "Vườn xuân Trung Nam Bắc", cho tham gia vào những công đoạn cuối cùng của tác phẩm trong vòng 2 năm, cũng khẳng định, việc dựng lại nguyên gốc tác phẩm là điều không thể. Và có lẽ vẻ đẹp lung linh, huyền ảo cùng kỹ thuật xuất thần của bậc đạo sư sơn mài sẽ chỉ còn trong những bức ảnh cũ hay trong ký ức của người yêu tranh.
Hơn một tháng sau khi sự việc được đưa ra công luận, bức tranh vẫn ở nguyên hiện trạng và chưa có một dự án phục chế nào được đưa ra. Vậy là người yêu tranh chờ bảo tàng lập kế hoạch phục chế. Trong khi đó, bảo tàng chờ ý kiến cuối cùng của Bộ Văn hóa. Bộ Văn hóa lại thấy khó trong việc xử phạt. Cuối cùng là một cơ chế lòng vòng và lúng túng, khiến công luận trở nên lo lắng không biết số phận của các bảo vật quốc gia hiện như thế nào.
Bảo vật quốc gia bị hư hỏng nặng do vệ sinh sai cách, một trong những nguyên nhân là do bảo tàng đã giao cho một thợ thủ công. Chuyện giao việc cho người không đúng chuyên môn là do lỗi tùy tiện của bảo tàng. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh một thực trạng nhức nhối của công tác bảo quản di sản tại Việt Nam, đó là hiện không có một trung tâm nào có tầm cỡ quốc gia về việc bảo quản và phục chế các tác phẩm mỹ thuật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!