Vào khoảng 6 sáng ngày 23 tháng 6 năm 2020, chị Trần Ngọc Oanh ở xã Vân Khánh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang nghe tiếng trẻ em khóc trong bụi rậm. Chị vào xem thì thấy một trẻ sơ sinh còn dính dây rốn trên người.
Tại Kiên Giang, từ đầu năm đến nay có ít nhất 4 trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Có bé khi được người dân phát hiện đã tử vong. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm. Bởi, nhiều người mẹ đã chọn cách phá bỏ, khi con chưa kịp chào đời. Số liệu thống kê của nhóm "Bảo vệ sự sống" thuộc Giáo xứ Tân Long, tỉnh Kiên Giang cho thấy: mỗi tuần, nhóm này đi thu gom từ 80 - 200 em. Và chỉ sau 5 năm, mảnh đất trống đã trở thành nghĩa trang của hơn 40.000 đứa trẻ vô tội.
Còn những đứa trẻ may mắn hơn được cưu mang tại các nhà tình thương, hay mái ấm. Dù vậy, trên thực tế các em vẫn là những đứa con bị cha mẹ chối bỏ cách này hay cách khác.
Bé trai 2,2 kg được phát hiện giữa 2 khe tường ở thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội mới đây cũng được cho là trường hợp may mắn. Em được giải cứu kịp thời trong tình trạng nhiễm trùng sơ sinh, mặt và tay có nhiều vết xước. Nhờ các bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) chăm sóc tích cực, hiện sức khỏe của bé đã tạm ổn. Người mẹ ruột nhẫn tâm vứt bé qua cửa sổ phòng trọ cũng được xác định là sinh viên năm 2 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Con trẻ luôn là niềm hạnh phúc của những người làm cha mẹ. Trong khi không ít cặp vợ chồng hiếm muộn đã phải tốn kém rất nhiều tiền của, thời gian mong có được một đứa con thì lại có những người nhẫn tâm chối bỏ đứa trẻ do chính mình rứt ruột sinh ra. Ngoài chuyện bị xã hội lên án, việc vứt bỏ con cái sẽ còn để lại nhiều hậu quả nặng nề khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!