Tình trạng xả rác bừa bãi nơi công cộng là câu chuyện không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Chưa cũ là bởi hết ngày này đến ngày khác, hết năm này đến năm khác tình trạng này vẫn xảy ra, đến mức nhiều người cho rằng đó là chuyện bình thường. Nhất là sau mỗi dịp lễ, Tết, hầu như không gian công cộng nào cũng hứng chịu rác thải. Có những quảng trường sau lễ hội bỗng biến thành bãi rác. Nhiều điểm du lịch vốn có tiếng trong lành, sau những ngày nghỉ bỗng trở thành nơi trú chân của rác. Trong những ngày qua, trên các trang mạng xã hội lại một lần nữa chia sẻ những bức ảnh về thành phố Đà Lạt ngập ngụa rác.
Nhiều người cho rằng, những hình ảnh ngập rác như là chỉ số phản ánh ý thức của con người đối với môi trường sống. Mặc dù các thành phố du lịch đều hướng đến đô thị văn minh, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng vẫn khó chấm dứt vấn nạn xả rác bừa bãi. Bộ quy tắc về du lịch có trách nhiệm đã có, nhưng thực tế lại gần như bị bỏ ngỏ. Quy định xử phạt xả rác bừa bãi cũng đã có, nhưng quy định này không phải ai cũng biết đến, không nói là chuyện xử phạt.
Công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức chưa mang lại kết quả, việc xử phạt lại chưa làm được. Theo đó, chuyện xả rác bừa bãi ở nơi công cộng vẫn tiếp tục là câu chuyện buồn chưa có hồi kết.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, hoàn toàn không có chuyện xả rác nơi công cộng, chẳng hạn như Singapore. Có một so sánh đã được đưa ra, cùng một du khách là người Việt Nam, khi đến Singapore không dám xả rác ra nơi công cộng, nhưng khi du lịch ở trong nước thì lại vô tư xả rác. Mấu chốt ở đây chính là việc xử phạt.
Ngay lúc này, nhiều người đã bắt đầu lo ngại, vào mùa du lịch Tết năm nay, môi trường ở những điểm du lịch, nhất là những khu vực du lịch cộng đồng, chắc chắn sẽ tiếp tục gặp sức ép về rác thải bừa bãi. Không thể trong một sớm một chiều sẽ giải quyết được vấn đề này, nhưng đã đến lúc cần phải đặt mạnh việc nâng cao ý thức của người dân, du khách tại nơi công cộng.
Vào lúc này, những người làm du lịch đã vào cuộc để ngăn chặn xả rác bừa bãi bằng cách thay đổi lối ứng xử của du khách đối với môi trường. Đặc biệt, ở những khu du lịch vùng biển đảo, việc thay đổi nhận thức của du khách sẽ là cách để góp phần cứu nguy đại dương trước mối nguy rác thải nhựa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!