Theo quy định của Nghị định 155, các hành vi xả rác, tiểu bậy, vứt bỏ tàn thuốc lá… không đúng nơi quy định tại khu chung cư, khu thương mại, dịch vụ, du lịch hoặc nơi công cộng bị phạt tiền có thể lên đến 7 triệu đồng, cao gấp 10 lần so với quy định cũ.
Nhiều ý kiến cho rằng với mức chế tài này sẽ tăng tính răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường, góp phần giữ gìn văn minh đô thị. Tuy nhiên, sau 3 tháng triển khai, việc thực thi xử phạt các hành vi xả rác ra nơi công cộng ở nhiều đô thị vẫn đang gặp không ít khó khăn.
Rác sinh hoạt vẫn để bừa bãi, tràn lan ở nhiều khu vực dù đã có giờ thu gom rác tại các điểm cố định. Tại khu vực đi bộ Hồ Hoàn Kiếm - trung tâm của Thủ đô - cũng luôn có rác vào những ngày nghỉ.
Những người đi đổ rác hoặc xả rác thường chỉ mang theo một chiếc xô hoặc một túi nilon đựng rác. Các hành vi xả rác diễn ra rất nhanh nên khó bắt quả tang.
Tại Hà Nội, một số quận, phường cũng đã có biện pháp chụp ảnh, ghi hình các đối tượng có hành vi vi phạm nhưng nhiều trường hợp vi phạm do không thể xác định được nơi cư trú nên ngành chức năng cũng không xử phạt được.
Hiện các quận, huyện, xã, phường thường bố trí cán bộ làm công tác quản lý tài nguyên môi trường, lực lượng công an kiêm nhiệm làm công tác kiểm tra, xử phạt hành vi vi phạm vệ sinh môi trường. Lực lượng này rất mỏng trong khi đó địa bàn các quận, huyện thường rất rộng, có khi lên tới hàng chục ngàn hộ dân, chưa kể khách vãng lai, nên rất khó xử lý.
Theo các chuyên gia về môi trường, với những bất cập về cơ chế thực thi và xử phạt các hành vi vi phạm xả rác ra nơi công cộng như hiện nay, chúng ta khó có thể cải thiện tình hình này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!