Mức tiêu thụ khí gas ở Việt Nam mỗi năm ước tính hơn 2 triệu tấn. Vì là thứ nhiên liệu được sử dụng hàng ngày nên vấn đề an toàn là mối quan tâm lớn nhất trong mỗi gia đình. Nhưng thực tế lại rất đáng báo động khi có tới 1/3 lượng gas đang lưu thông trên thị trường là gas giả hay nói cách khác là gas được sang chiết trái phép.
Những hình ảnh trong phóng sự sau đây sẽ là lời cảnh báo đến các cơ quan quản lý cũng như người dân- được các phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam mất nhiều thời gian và công sức để ghi lại.
Người lạ rất khó xuất hiện tại đây nhưng không còn cách nào khác ngoài con đường độc đạo để có thể tiếp cận trạm sang chiết gas trái phép ở Hố Nai 3, Huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Các đối tượng luôn cảnh giác tối đa nên sự xuất hiện của nhóm phóng viên đã bị phát hiện. Thế nhưng, kiên trì dùng nhiều biện pháp, mọi bằng chứng về hành vi sang chiết gas trái phép đã được ghi lại.
Rất nhiều vỏ bình gas của các thương hiệu gas như VT, Saigon Petro, Gia đình… đã bị sang chiết trái phép. Đều đặn mỗi ngày có khoảng từ 2 đến 3 xe bồn với hàng chục tấn gas cấp cho trạm sang chiết gas trái phép Long Sơn. Một lượng gas được sang chiết vô cùng lớn như vậy và là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thật khó tin rằng, tỉnh Đồng Nai không hề biết trạm sang chiết gas trái phép này.
Trong khoảng 30-40 phút, các đối tượng có thể sang chiết được vài trăm bình gas giả. Sang chiết trái phép, đồng nghĩa với việc các quy trình về an toàn đều bị bỏ qua.
Để tìm hiểu nguồn gas cung cấp cho trạm sang chiết trái phép này, nhóm phóng viên đã theo 1 xe bồn gas mang thương hiệu Saigon Petro có điểm đến là trạm sang chiết. Bất ngờ, đến cả xe bồn gas cũng bị các đối tượng làm giả thương hiệu.
Việt Nam hiện nhập khẩu hơn 60% khí dầu mỏ hoá lỏng, còn lại nguồn cung từ các nhà máy trong nước. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là các đối tượng lấy nguồn gas ở đâu ra để sang chiết. Theo thống kê của Hiệp hội khí Việt Nam, từ trước đến nay chưa ghi nhận 1 vụ việc nào liên quan đến nguồn gas nhập lậu hay gas không có hoá đơn chứng từ, trong khi tình trạng sang chiết trái phép thường xuyên bị phát hiện và xử lý.
Việc tiêu thụ gas được sang chiết trái phép hiện nay khá phổ biến ở nhiều địa phương. Từ người dân đến các đại lý bán gas hầu hết chỉ quan tâm đến giá rẻ và liên tiếp những vụ nổ khí gas đã xảy ra.
Rất nhiều vụ sang chiết gas trái phép thường chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, trong khi lợi nhuận thu được thì rất lớn và hậu quả khôn lường bởi số vỏ bình gas bị chiếm dụng để sang chiết trái phép này không hề được tái kiểm định theo quy định.
Vậy nên, trong khi chờ đợi cơ quan quản lý có những chế tài xử lý đủ mạnh, người tiêu dùng cần có thói quen tự kiểm tra hạn kiểm định được in trên vỏ bình cũng chính là hạn sử dụng của bình gas. Trong trường hợp nhận được bình gas đã hết hạn, khách hàng có quyền từ chối nhận hàng từ nhà cung cấp để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!