10 dấu ấn nổi bật của TP Hồ Chí Minh năm 2024

Thu Trang-Thứ ba, ngày 31/12/2024 22:44 GMT+7

TP Hồ Chí Minh đón đoàn khách quốc tế đầu tiên trong năm 2024

VTV.vn - Năm 2024 ghi dấu đậm nét những thành tựu ấn tượng của TP Hồ Chí Minh trên nhiều lĩnh vực.


Lĩnh vực Chính trị

1.Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước làm việc với TP Hồ Chí Minh để chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng của Thành phố

Đảng, Nhà nước luôn dành cho TP Hồ Chí Minh sự quan tâm đặc biệt. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 57 về chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Trong năm 2024, TP Hồ Chí Minh đã vinh dự đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã có nhiều buổi làm việc, nhiều chỉ đạo cụ thể với Thành phố về tình hình KT-XH và định hướng phát triển của địa phương, những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

2. Nhân dân TP Hồ Chí Minh thể hiện nét đẹp của Thành phố nghĩa tình và tinh thần đại đoàn kết dân tộc

Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh với truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, luôn thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào, sẵn sàng giúp đỡ, quyên góp ủng hộ đồng bào trong mọi hoàn cảnh khó khăn, đi đầu trong các phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giảm nghèo bền vững, khuyến học, khuyến tài, bảo vệ an ninh Tổ quốc, cứu trợ, từ thiện...

Những điểm sáng đáng kể như: Đại hội MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 với Chủ đề: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường dân chủ, thi đua xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”; Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024, với chủ đề “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Lĩnh vực Kinh tế

3. Hội đồng Nhân dân Thành phố khẩn trương, kịp thời ban hành các chính sách triển khai các Nghị quyết và các Quy định của Trung ương vào cuộc sống thực tiễn của Thành phố.

Năm 2024, với tinh thần tiến công, quyết tâm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 98 của Quốc hội, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành 46 nghị quyết đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù trên các lĩnh vực quản lý đầu tư, tài chính, đô thị, khoa học công nghệ và phân cấp, ủy quyền. Đồng thời tăng cường giám sát quá trình triển khai thực hiện. Từ đó tạo động lực giúp thành phố từng bước khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục thực hiện các dự án trọng điểm, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước. Trong đó, nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đã đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, giúp thành phố thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Sau 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15, Thành phố bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, tạo tiền đề vững chắc và xung lực bứt phá quan trọng để phát triển Thành phố nhanh, mạnh, bền vững. Một số cơ chế, chính sách đã đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.

4. Kinh tế Thành phố tiếp tục phục hồi, chuyển đổi và tăng trưởng một cách bền vững; ra mắt Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 04 (C4IR) tại TP Hồ Chí Minh.

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong công tác chỉ đạo, điều hành, kinh tế Thành phố năm 2024 tiếp tục phục hồi, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2024 ước tăng 7,17% so với năm 2023 (gần đạt kế hoạch đề ra, tăng từ 7,5 - 8%). Việc thực hiện Chủ đề công tác năm 2024 tạo động lực thúc đẩy việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố; Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện năm 2024 là 508.553 tỷ đồng, đạt 105,3% dự toán, tăng 13,3% so cùng kỳ.

Năm 2024, thương mại điện tử của Thành phố tăng trưởng 52%, cao hơn mức trung bình của cả nước là 42%. Xét về tổng quy mô doanh số thương mại điện tử tăng trưởng so với cùng kỳ, TP Hồ Chí Minh đang dẫn đầu cả nước. 

Theo Bộ TTTT, kinh tế số năm 2024 của thành phố chiếm 22% GRDP. TP Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này tại thành phố. Số lượng doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh tham gia vào các nền tảng số đang tăng trưởng mạnh mẽ. Ngoài ra, Thành phố cũng đẩy mạnh hạ tầng công nghệ như các trung tâm dữ liệu và mạng lưới viễn thông hiện đại, góp phần nâng cao khả năng kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn và xanh, trong đó, các mô hình kinh tế tuần hoàn được triển khai trong các khu công nghiệp và khu dân cư, giúp tái sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động môi trường.

10 dấu ấn nổi bật của TP Hồ Chí Minh năm 2024 - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TP Hồ Chí Minh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TP Hồ Chí Minh. Trung tâm này được kỳ vọng sẽ trở thành động lực mới thúc đẩy phát triển bền vững cho thành phố, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cả nước. Đây là trung tâm thứ hai của Đông Nam Á sau Malaysia, tham gia vào mạng lưới Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 toàn cầu của WEF. C4IR sẽ là nơi hợp tác nghiên cứu, đề xuất chính sách, huy động nguồn lực, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp.

Ngoài ra, Đối thoại Hữu nghị TP Hồ Chí Minh lần thứ 2 năm 2024 là một trong những sự kiện đối ngoại đa phương quan trọng với sự tham dự của 35 địa phương kết nghĩa của thành phố thuộc 15 quốc gia trên thế giới.

Lĩnh vực chuyển đổi số và cải cách hành chính

5. Chương trình Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số và Cải cách hành chính tạo dấu ấn tích cực, quan trọng.

Kết quả thực hiện Chủ đề công tác năm 2024, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số, thể hiện qua sự tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, phát triển nền tảng số, chú trọng quản trị dữ liệu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn thông tin và đẩy mạnh truyền thông chính sách về hoạt động chuyển đổi số được thực hiện đồng bộ.

Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, TP Hồ Chí Minh có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển chính quyền điện tử ở cấp địa phương, chỉ số Dịch vụ trực tuyến Địa phương (LOSI) của Thành phố đã tăng từ vị trí 54/146 lên vị trí 53/152 thành phố tiêu biểu của các quốc gia trên thế giới được khảo sát vào năm 2023.

Thành phố cũng triển khai Chương trình phát triển vi mạch TP Hồ Chí Minh tại Khu Công nghệ cao giai đoạn 2025-2030 tại Quyết định số 3686/QĐ-UBND ngày 06/9/2024. Chương trình kì vọng sẽ đưa công nghiệp vi mạch bán dẫn của Thành phố tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; góp phần đưa Khu Công nghệ cao Thành phố trở thành hạt nhân KHCN thúc đẩy vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh theo xu thế của CMCN 4.0.

Ngày 14/11/2024, Thành phố đã chính thức ra mắt ứng dụng Công dân số TP Hồ Chí Minh, thông qua ứng dụng Công dân số Thành phố để tăng cường hiệu quả giao tiếp giữa chính quyền và người dân Thành phố.

Trên nền tảng Nghị quyết số 98/2023/QH15, sau một năm triển khai, Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND ngày 11/11/2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố đã tạo ra động lực mới và đột phá cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố là nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và ngày càng lớn mạnh với hơn 2.200 doanh nghiệp khởi nghiệp, chiếm tỷ lệ khoảng 50% so với cả nước, đang tiến gần đến Top 100 Thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu. Giá trị hệ sinh thái khởi nghiệp của Thành phố lên đến 5,22 tỉ USD, xếp thứ ba tại Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh hiện đại hóa, tự động hóa và minh bạch kết quả thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Ngày 03/12/2024, tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã tổ chức Lễ công bố và Vinh danh Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam 2024, Thành phố Hồ Chí Minh được vinh danh tại hạng mục: Thành phố Điều hành, quản lý thông minh (IOC).

Lĩnh vưc Giao thông đô thị

6. Thành phố chính thức vận hành thương mại tuyến Metro số 1; Khởi công, khởi động lại nhiều công trình, dự án.

Tuyến Metro số 1 được chính thức vận hành vào ngày 22/12 là sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển hệ thống giao thông công cộng của TP Hồ Chí Minh. Đây là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên được xây dựng và đưa vào khai thác tại Thành phố, tuyến có chiều dài 19,7 km, kết nối trung tâm Quận 1 với khu vực phía Đông của TP Hồ Chí Minh như Bình Thạnh và thành phố Thủ Đức.

10 dấu ấn nổi bật của TP Hồ Chí Minh năm 2024 - Ảnh 6.

Metro số 1 chính thức vận hành

Tuyến Metro số 1 không chỉ giúp giảm áp lực giao thông trên các tuyến đường huyết mạch như Xa lộ Hà Nội (nay là đường Võ Nguyên Giáp) mà còn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu cho việc hình thành mạng lưới đường sắt đô thị của TP Hồ Chí Minh.

Lĩnh vực Quốc phòng, An ninh

7. Tình hình tội phạm về trật tự xã hội được kiềm chế, kéo giảm sâu; tỷ lệ điều tra, khám phá án được nâng cao.

Công an Thành phố (CATP) đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp chặt chẽ phòng ngừa xã hội, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh, đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, phòng tránh của người dân.

Nhân kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (10/5/1969 - 10/5/2024), 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024), 79 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2024); 19 năm Ngày hội Toàn dân Bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2024), Công an TP Hồ Chí Minh vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân thời kỳ đổi mới do Nhà nước trao tặng.

8. Nhiều hoạt động nổi bật kỷ niệm: 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Với tình cảm gắn bó nhiều năm qua giữa Điện Biên và TP Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố xây tặng Điện Biên dự án Lưới điện nông thôn huyện Điện Biên Đông (50 tỷ đồng), hỗ trợ thực hiện các hạng mục tại Di tích đồi E2 (35 tỷ đồng trong 2 năm 2024, 2025), tổng kinh phí hỗ trợ là 85 tỷ đồng; Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ xây tặng 200 căn nhà tình nghĩa (kinh phí 10 tỷ đồng)...

Ngày 26/12/2024, Chủ tịch nước Lương Cường đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Lực lượng vũ trang TP Hồ Chí Minh (Quân khu 7).

Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

9. TP Hồ Chí Minh là thành phố sáng tạo, thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO; phấn đấu xây dựng Thành phố trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN

Ngày 14/2/2024, TP Hồ Chí Minh vinh dự trở thành thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Đây là kết quả của quá trình tập trung vào việc xây dựng môi trường học tập suốt đời cho người dân thành phố. Đây là một bước tiến quan trọng, khẳng định cam kết của thành phố đối với việc học tập suốt đời và phát triển bền vững cũng như thực hiện hiệu quả các nội dung đã cam kết với UNESCO trong việc thực hiện các kế hoạch và tiêu chí trong hồ sơ đăng ký thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu.

10 dấu ấn nổi bật của TP Hồ Chí Minh năm 2024 - Ảnh 9.

TP Hồ Chí Minh vinh dự trở thành thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO

Lần đầu tiên trên cả nước, 2 bệnh viện công lập của TP Hồ Chí Minh đạt chuẩn quốc tế về chất lượng bệnh viện do 2 tổ chức có uy tín trên thế giới công nhận. Đó là Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Truyền máu - Huyết học.

Thành phố tiếp tục mở rộng các không gian sách mới nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng lãm văn hóa của người dân và góp phần phát triển văn hóa đọc, quảng bá văn hóa-du lịch. Cùng với hai đường sách hiện có là Đường sách TP Hồ Chí Minh (Quận 1), Đường sách TP Thủ Đức, việc xây dựng thêm ba đường sách tại Quận 7, quận Bình Tân và huyện Củ Chi sẽ góp phần hình thành hệ thống đường sách, không gian sách theo hướng Đông-Tây-Nam-Bắc của Thành phố, tạo thành một “hệ sinh thái” đặc trưng, cho hoạt động văn hóa-du lịch, xuất bản và phát triển văn hóa đọc của Thành phố.

10. TP Hồ Chí Minh – Thành phố của Công nghiệp Văn hóa, Du lịch, Thể thao cộng đồng; điểm hẹn của lễ hội và sự kiện.

TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Điều này cho thấy tính năng động và quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong chiến lược hợp tác phát triển công nghiệp văn hóa.

Với vị thế là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa, tập trung đông du khách quốc tế và bạn bè nước ngoài, thời gian qua TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch lớn, với sự tham gia của hàng trăm nghìn khán giả như Lễ Hội âm nhạc Quốc tế Hozo, Anh trai Say Hi, Anh trai vượt ngàn chông gai, Liên hoan phim quốc tế TP Hồ Chí Minh, Liên hoan sân khấu lần 1, Lễ hội Sông nước, Giải vô địch Teqball thế giới năm 2024,... Các sự kiện văn hóa, thể thao này đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, là cầu nối phát triển kinh tế vùng, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh văn hóa, con người TP Hồ Chí Minh ra khu vực và thế giới, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế của Thành phố (đóng góp của ngành văn hóa vào GRDP của TP Hồ Chí Minh ước đạt 5%).

10 dấu ấn nổi bật của TP Hồ Chí Minh năm 2024 - Ảnh 10.

Concert Anh trai vượt ngàn chông gai

Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh vẫn tăng tốc, vượt qua thách thức để đạt được kết quả theo mục tiêu, kế hoạch đề ra. Tổng thu du lịch năm 2024 ước đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 100% so với kế hoạch. Khách du lịch nội địa đến Thành phố ước đạt 38 triệu lượt, tăng 8,6% so cùng kỳ năm 2023, đạt 100% so với kế hoạch. Khách quốc tế đến Thành phố ước đạt 6 triệu lượt, tăng 20% so cùng kỳ năm 2023, đạt 100% so với kế hoạch.

10 dấu ấn nổi bật của TP Hồ Chí Minh năm 2024 - Ảnh 11.

Du lịch TP Hồ Chí Minh tăng tốc

Đặc biệt, năm 2024, ngành du lịch Thành phố vinh dự nhận được nhiều giải thưởng uy tín của thế giới: Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu Châu Á, Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu Châu Á; Cơ quan du lịch thành phố hàng đầu Châu Á; Điểm đến du lịch MICE hàng đầu Châu Á, Điểm đến du lịch khen thưởng hàng đầu Châu Á, Triển lãm Thương mại tốt nhất Châu Á. Những giải thưởng quan trọng này cùng các hoạt động xúc tiến, quảng bá nước ngoài đã đưa hình ảnh du lịch Thành phố ra thế giới, định vị điểm đến Thành phố trên bản đồ thế giới ngày càng được cải thiện.

Du lịch TP Hồ Chí Minh thu 190 ngàn tỷ đồng trong năm 2025 Du lịch TP Hồ Chí Minh thu 190 ngàn tỷ đồng trong năm 2025

VTV.vn - Chiều ngày 30/12, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 gắn với Chiến lược phát triển đến năm 2030.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

Dấu ấn 2024

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước