10 sự kiện, vấn đề nổi bật của Thủ đô Hà Nội năm 2024

Cung Nguyễn-Thứ ba, ngày 31/12/2024 18:14 GMT+7

VTV.vn - Ngày 31/12/2024, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội công bố 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2024.

1. Đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức lãnh đạo của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn hệ thống chính trị của Thành phố

Với tinh thần "Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển", năm 2024 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã đổi mới mạnh mẽ tư duy, phong cách, phương thức lãnh đạo. Chủ động đề xuất Trung ương và tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ có tính chiến lược để phát triển Thủ đô. Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua trên địa bàn Hà Nội.

Tiên phong, dẫn đầu cả nước về công tác tổ chức, xây dựng Đảng. Có 11.144 đảng viên mới được kết nạp, đứng thứ 2 cả nước; phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đứng đầu cả nước. Thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực tổ chức xây dựng đảng, đảng viên; triển khai thực hiện hiệu quả mô hình "Chi bộ bốn tốt" (trên 97% chi bộ được công nhận "Chi bộ 4 tốt").

Công tác kiểm tra giám sát thi hành kỷ luật Đảng tiếp tục được triển khai theo đúng quy định. Công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo thường xuyên. Ngày 20/11/2024, UBND thành phố Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí.

2. Quốc hội thông qua Luật Thủ đô sửa đổi - tạo thể chế, hành lang pháp lý quan trọng, cơ hội để Hà Nội phát huy tiềm năng, nội lực bước vào kỷ nguyên mới

Ngày 28/6/2024, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội. Luật tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Thủ đô phát huy quyền tự chủ, tháo gỡ các nút thắt trong quản lý, huy động nguồn lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững… Đây là cơ sở pháp lý để thành phố Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ chiến lược đã được xác định tại Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, hướng tới mục tiêu:

Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,0 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD.

Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

3. Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt - Định hình tương lai phát triển Thủ đô

Ngày 12/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày 27/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg về phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được xây dựng với "tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội", tạo ra những "cơ hội mới - giá trị mới" để phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng, kết nối toàn cầu; xứng tầm đại diện vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Đây là kim chỉ nam để xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố toàn cầu, đô thị sáng tạo, trung tâm hàng đầu về kinh tế số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

4. Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 25 năm Thành phố vì hòa bình - Dấu ấn mạnh mẽ với nhân dân và bạn bè quốc tế

10 sự kiện, vấn đề nổi bật của Thủ đô Hà Nội năm 2024 - Ảnh 1.

Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được chuẩn bị công phu.

Chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được chuẩn bị công phu, sáng tạo, linh hoạt; tổ chức trang trọng, quy mô, có điểm nhấn, lan tỏa sâu rộng từ thành phố đến cơ sở, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nổi bật là: Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024); Cuộc thi tìm hiểu về chủ đề 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô với hơn 1,3 triệu lượt thí sinh trên toàn quốc tham gia; Chương trình nghệ thuật chính luận "Hà Nội - Bản hùng ca phố" tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long; Chương trình "Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh"; "Lễ hội Hòa bình" được tổ chức tại không gian văn hóa hồ Hoàn Kiếm với quy mô lớn nhất, cách thức tổ chức sáng tạo, người dân là chủ thể của Lễ hội…

5. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt 500.000 tỷ đồng - Khẳng định vai trò "Đầu tàu kinh tế"

10 sự kiện, vấn đề nổi bật của Thủ đô Hà Nội năm 2024 - Ảnh 2.

Lần đầu tiên Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội vượt 500.000 tỷ đồng.

Vượt qua những khó khăn chung của nền kinh tế, những ảnh hưởng tiêu cực do thiên tai, bão lũ gây ra, năm 2024, thành phố Hà Nội đã quyết liệt, trách nhiệm cao thực hiện các giải pháp hiệu quả để vượt qua thách thức.

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Thủ đô tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Đến thời điểm hiện nay, GRDP của Thủ đô đạt 6,52%, tăng cao hơn cùng kỳ năm trước (6,27%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt 500.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt gần 470.000 tỷ đồng (chiếm gần 94%), đứng đầu cả nước. Thu hút vốn FDI đạt trên 2 tỷ USD, tiếp tục khẳng định Hà Nội là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Thành phố có 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 191 xã nông thôn mới nâng cao, vượt 35 xã so với mục tiêu của Chương trình số 04 của Thành ủy đến năm 2025; có 84 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt 4 xã so với mục tiêu.

Những kết quả ấn tượng trên đã khẳng định vai trò "đầu tàu" kinh tế của Hà Nội, thể hiện bản lĩnh và quyết tâm vượt khó của Thủ đô trong mọi hoàn cảnh.

6. Hà Nội tiên phong trong việc thực hiện Chuyển đổi số và Đề án 06 của Chính phủ, dẫn đầu về đổi mới sáng tạo năm 2024

Hà Nội là địa phương đầu tiên hợp nhất 3 Ban Chỉ đạo (cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06) thành một, với phương châm "5 rõ, 1 xuyên suốt".

Khai trương 02 Trung tâm: Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội với phương châm "3 phi" - Phi địa giới, Phi trung gian, Phi vật chất, tạo ra bước tiến mới trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp; Trung tâm dữ liệu chính của Thành phố với nền tảng công nghệ hiện đại, bảo đảm an ninh, an toàn phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của Thủ đô.

Kết quả chuyển đổi số của Hà Nội tiếp tục cải thiện: vị trí xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố (tăng 3 năm liên tiếp từ 2021 đến nay - tăng 19 bậc); xếp thứ nhất Bảng xếp hạng chung về chỉ số công nghiệp CNTT; đứng thứ 2 trong 7 năm liên tiếp về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam. Đáng chú ý, theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2023, Hà Nội đứng thứ nhất về chỉ số Quản trị điện tử và tiếp tục dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

7. Phát triển công nghiệp văn hóa - Thúc đẩy mạnh mẽ du lịch, tạo động lực phát triển mới của Thủ đô

10 sự kiện, vấn đề nổi bật của Thủ đô Hà Nội năm 2024 - Ảnh 3.

Hà Nội hiện nay đang có sự phát triển đa dạng của các sản phẩm công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực tạo nên bản sắc riêng có của Hà Nội.

Sau hơn 2 năm ban hành Nghị quyết chuyên đề về Phát triển công nghiệp văn hóa và 5 năm chính thức là thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO đã đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ về tư duy đổi mới sáng tạo, nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo động lực thúc đẩy niềm tin, khát vọng sáng tạo và sự tham gia tích cực của các nghệ nhân, văn nghệ sỹ, trí thức, doanh nhân, cộng đồng sáng tạo Thủ đô. Hà Nội hiện nay đang có sự phát triển đa dạng của các sản phẩm công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực tạo nên bản sắc riêng có của Hà Nội trong cách thành phố lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai.

Các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn toàn Thành phố đã góp phần tăng trưởng tốt cho sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên lĩnh vực du lịch văn hóa Thủ đô năm 2024. Số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 27,86 triệu lượt khách, tăng 12,7% so với năm 2023; trong đó có 6,35 triệu lượt khách quốc tế, tăng 34,4% so với năm 2023, chiếm tỉ trọng tương đương mức 36,3% của cả nước. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 110,52 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2023.

Thành phố Hà Nội được vinh dự đón nhận nhiều giải thưởng lớn, nổi bật như giải thưởng "Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á"; "Điểm đến Thành phố golf tốt nhất thế giới năm 2024" do Tổ chức World Travel Awards trao tặng; nằm trong nhóm "100 điểm đến thành phố hấp dẫn nhất thế giới năm 2024" do trang nghiên cứu Euromonitor International bình chọn...

8. Giáo dục Thủ đô tiếp tục phát triển; an sinh và phúc lợi xã hội được bảo đảm toàn diện

Năm 2024, Giáo dục và đào tạo Thủ đô đạt được nhiều kết quả toàn diện, đều khắp ở các cấp học, nhà trường, các loại hình giáo dục. Quy mô giáo dục tiếp tục mở rộng và phát triển, đứng đầu cả nước. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông chung toàn Thành phố đạt 99,81%, tăng 0,25% và 05 bậc so với năm 2023, là kết quả cao nhất trong 10 năm qua; nhiều thủ khoa là thí sinh Hà Nội. Học sinh Thủ đô đứng đầu cả nước trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia với 184 học sinh đoạt giải. Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước về kết quả triển khai Học bạ số cấp Tiểu học với 97,6% học sinh khối 1 đến khối 4 được tạo thành công Học bạ số (bằng hơn 2 lần mức trung bình của cả nước đạt 41%)...

Thành phố Hà Nội đã tạo việc làm mới cho 178,7 nghìn lao động, đạt 108,3% kế hoạch. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên 2 triệu người, tăng 5,43% so với cùng kỳ năm 2023. Trên 203.000 đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Chi cho công tác ưu đãi người có công là 1.930 tỷ đồng. Điểm nổi bật là năm 2024, Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo, chỉ tiêu giảm nghèo về đích trước 01 năm kế hoạch đề ra giai đoạn 2021-2025; hoàn thành mục tiêu xoá 100% nhà ở xuống cấp. Thành phố cũng tiếp tục ủy thác hơn 9.500 tỷ đồng qua Ngân hàng chính sách xã hội cho hơn 96.000 hộ khó khăn và các đối tượng chính sách được vay vốn... và là địa phương dẫn đầu cả nước.

Thành phố đảm bảo an sinh xã hội và khôi phục sản xuất nhanh chóng sau khi bão số 3-Yagi đi qua và hỗ trợ kịp thời các tỉnh bị ảnh hưởng do bão. Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã ra lời kêu gọi Nhân dân Thủ đô ủng hộ quỹ Cứu trợ hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3. Tổng số tiền đã tiếp nhận là 331,053 tỷ đồng. Đã kịp thời hỗ trợ Nhân dân Thủ đô và các tỉnh bị thiệt hại do bão, lũ gây ra.

9. Khánh thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm, đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của Thủ đô

Hà Nội đã hoàn thành các tuyến đường gắn với phát triển đô thị; Dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội bắt đầu vận hành thương mại từ ngày 8/8/2024.

Hai công trình tiêu biểu trong nhiều công trình trọng điểm của Thành phố được gắn biển nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Cung Thiếu nhi Hà Nội hiện đại nhất cả nước với nhà hát, rạp phim và các câu lạc bộ nghệ thuật có tổng diện tích gần 40.000 m2 khánh thành ngày 21/9/2024 và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu học tập vui chơi, thi đấu thể thao, rèn luyện thể chất, giao lưu văn hóa của thiếu nhi Thủ đô. Bệnh viện nhi Hà Nội với quy mô giai đoạn 01 là 200 giường bệnh, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 9/10/2024, kỳ vọng giảm tải cho bệnh viện nhi Trung ương, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe trẻ em, nhân dân Thủ đô, các tỉnh lân cận.

10. An ninh, trật tự được đảm bảo; diễn tập khu vực phòng thủ được đổi mới cả về nội dung, hình thức, quy mô và tuyệt đối an toàn

Chất lượng, trình độ và năng lực sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang Thủ đô ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô trong tình hình mới. Tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ Hà Nội - 24 với nhiều đổi mới cả về nội dung, hình thức, quy mô, thành phần (quy mô lớn nhất từ trước tới nay). Khẳng định năng lực quốc phòng, an ninh, năng lực sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống của Thủ đô.

Trật tự an toàn xã hội của Thủ đô có nhiều chuyển biến tích cực, tội phạm được kiềm chế, kéo giảm. An ninh quốc gia tiếp tục được giữ vững; bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại trên địa bàn Thủ đô (trên 2.000 kỳ cuộc).

Đáng chú ý, trong năm 2024, Hà Nội được chọn là nơi tổ chức triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 19 - 22/12/2024. Triển lãm là hoạt động trọng điểm, tạo điểm nhấn mang ý nghĩa, tầm vóc quốc tế, sự kiện kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước