Điều tra các trường hợp tiếp xúc gần cùng bệnh nhân. (Ảnh: Báo Nghệ An)
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An, vào 16h ngày 4/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An nhận được thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An về 1 ca nghi bạch hầu. Trung tâm đã cử đoàn giám sát tiến hành điều tra và lấy mẫu xét nghiệm.
Nữ bệnh nhân là P.T.C, (18 tuổi, trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn), là học sinh của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn, vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.
Qua khai thác thông tin dịch tễ, ngày 26/6, bệnh nhân P.T.C có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khàn tiếng. Bệnh nhân tự mua thuốc điều trị và vẫn tham gia dự kỳ thi trung học phổ thông năm 2024 tại Trường Trung học phổ thông Kỳ Sơn vào ngày 27 - 28/6.
Sau khi thi xong, bệnh nhân P.T.C về nhà, nhưng bệnh không đỡ nên ngày 1/7 đã đến Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn khám và nhập viện điều trị tại Khoa Lây với chẩn đoán: viêm loét họng - Amidan mủ, tiên đoán bạch hầu.
Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn đã tiến hành hội chẩn liên khoa và hướng dẫn gia đình cho chuyển tuyến trên điều trị nhưng gia đình không đủ điều kiện, xin nằm điều trị tại khoa.
Đến ngày 4/7, tình trạng bệnh nhân P.T.C không thuyên giảm nên được thuyết phục chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục điều trị. Bệnh nhân nhập viện vào Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An hồi 14 giờ 44 phút ngày 4/7 với chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn/bạch hầu, biến chứng viêm cơ tim, suy đa tạng, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu. Bệnh nhân được gia đình xin về lúc 23 giờ 50 phút ngày 4/7 và tử vong trên đường về vào lúc 4 giờ ngày 5/7.
Lấy mẫu xét nghiệm những người tiếp xúc gần. (Ảnh: Báo Nghệ An)
Qua điều tra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An đã xác định 7 trường hợp có tiếp xúc gần cùng bệnh nhân P.T.C tại phòng ký túc xá Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn, gồm: M.T.K (bản Phà Khốm, xã Phà Đánh); X.T.L (bản Quyết Thắng, xã Keng Đu); M.T.S (bản Phà Khảo, xã Phà Đánh); L.T.N (bản Piêng Hòm, xã Phà Đánh); M.T.T (bản Piêng Hòm, xã Phà Đánh); M.T.D (bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu); M.T.B (bản Phà Khảo, xã Phà Đánh).
Trong các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân P.T.C ở ký túc xá, có 2 người là M.T.S và M.T.B đã di chuyển từ huyện Kỳ Sơn ra tạm trú tại tỉnh Bắc Giang. M.T.B xuất hiện tình trạng đau họng và đã được hướng dẫn khai báo tại trạm y tế vào ngày 4/7. Đến nay, M.T.B đã được xét nghiệm với kết quả dương tính với bạch hầu.
Mở rộng điều tra các trường hợp tiếp xúc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xác định được 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong.
Các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân phân bố tại huyện Kỳ Sơn gồm: xã Bắc Lý (3 người), xã Bảo Nam (4 người), xã Đoọc Mạy (3 người), xã Huồi Tụ (7 người), xã Hữu Kiệm (4 người), xã Keng Đu (23 người), xã Mường Ải (1 người), xã Mường Lống (3 người), xã Mường Típ (6 người), xã Mỹ Lý (5 người), xã Na Loi (6 người), xã Na Ngoi (9 người), xã Nậm Càn (5 người), xã Nậm Cắn (3 người), xã Phà Đánh (15 người), xã Tà Cạ (3 người), xã Tây Sơn (14 người), xã Chiêu Lưu (2 người), xã Hữu Lập (1 người)... Ở huyện Tương Dương có 2 người, gồm: xã Mai Sơn (1 người), xã Lượng Minh (1 người).
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, có thể xuất hiện ở da, kết mạc mắt, bộ phận sinh dục. Dấu hiệu là sốt nhẹ, khàn tiếng, ho, các giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống.
Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên, cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi; đặc biệt, trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong. Tỷ lệ chết của bệnh là 5 - 10%.
Trước đây, bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vaccine phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Theo các chuyên gia, đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khả năng gây dịch, lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh, xâm nhập qua da bị tổn thương. Thời gian ủ bệnh khoảng hai tuần trước khi bắt đầu lây nhiễm cho người khác.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ bệnh. Đảm bảo nhà ở thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!