Phương án được quyết định khi đó là Hà Nội mở rộng sẽ bao gồm địa giới cũ của Thành phố Hà Nội, mở rộng thêm tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (trước đây của tỉnh Vĩnh Phúc), và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, trước đây thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Hà Nội trở thành Thủ đô có diện tích lớn thứ 17 trên thế giới, với hơn 3.300 km2 - gấp 3,6 lần trước đó. Dân số tăng từ 3,4 lên 6,2 triệu người.
Một quyết định không hề dễ dàng vào lúc đó nhưng qua 15 năm phát triển, Thủ đô Hà Nội đã có sự thay đổi rõ rõ rệt. Trở thành một đại đô thị, quy mô dân số là hơn 8.5 triệu người.
Giai đoạn 2011 - 2022, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 6,67%/năm. Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt hơn 58 tỷ USD, gần gấp đôi so với trước mở rộng.
Một trong những điểm sáng nữa là diện mạo nông thôn cũng thay đổi rõ rệt. Đến nay, đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hà Nội cũng nằm trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Việc mở rộng địa giới hành chính là thay đổi quan trọng, mang tầm vóc mới, cơ hội mới và diện mạo mới cho Thủ đô. Hà Nội hiện nay đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung, khẳng định vai trò, vị thế là trung tâm kinh tế, động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước.
Hà Nội - Động lực phát triển quan trọng của Bắc Bộ và cả nước
15 năm mở rộng của Hà Nội là 15 năm ghi nhận tăng trưởng ổn định.
Hà Nội chiếm khoảng 1/5 diện tích và hơn 40% dân số của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nhưng hiện đóng góp 47,46% GRDP của cả vùng.
So trên cả nước, diện tích Hà Nội tương ứng 1% và dân số chiếm 8,1%, còn đóng góp GRDP là 12,59%.
Kinh tế Thủ đô đang giữ vị trí đầu tàu, giữ động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế cả nước.
Động lực chính cho sự phát triển của Thủ đô trong 15 năm mở rộng, có thể kể đến 3 yếu tố: thể chế, hạ tầng, và nguồn nhân lực. Mỗi năm Hà Nội dành 30 - 40% nguồn vốn ngân sách để đầu tư cho giao thông. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được coi là nhiệm vụ trung tâm, triển khai thông qua đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất cho giáo dục theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ. Luật Thủ đô có hiệu lực từ tháng 7 năm 2013, văn bản pháp lý quan trọng, với mục tiêu tạo cơ chế đặc thù cho Hà Nội phát triển Sau 10 năm, Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đang được cân nhắc xem xét, kỳ vọng tạo cơ chế vượt trội để Thủ đô khai thác tốt hơn nguồn lực, phát triển bứt phá thời gian tới.
Quyết định mở rộng Hà Nội, một cuộc kiến thiết mang tầm vóc lịch sử. Tạo không gian rộng mở, thực hiện một tầm nhìn phát triển tương xứng với Thủ đô của đất nước. 15 năm qua cũng là nền tảng vững chắc cho những kế hoạch rộng lớn hơn với Hà Nội, động lực mạnh mẽ cho cả Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước nói chung, Thủ đô Văn hiến, Văn minh và Hiện đại.
Chủ trương mở rộng Hà Nội 15 năm trước thường được nhắc đến như một cuộc mở rộng lịch sử và là một quyết định có tầm nhìn. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những vấn đề, những vướng mắc. Một trong số đó phải kể đến các dự án treo. Toàn thành phố đến giờ vẫn tồn tại 712 dự án treo, dự án chậm triển khai.
Việc điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô và nhiều điều chỉnh khác dẫn tới nhiều dự án cũng phải thay đổi. Cùng với đó là các lý do như năng lực tài chính, kinh nghiệm của chủ đầu tư hạn chế, thậm chí có một số nhà đầu tư cố tình giữ đất. Những dự án này vừa gây lãng phí, vừa để lại nhiều hệ lụy cho cả người dân và thành phố.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!