Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức khảo sát phương án vận tải hành khách bằng đường thủy kết nối TP Hồ Chí Minh với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Qua khảo sát, các đơn vị đề xuất 3 phương án vận chuyển. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các phương án này cần được nghiên cứu cụ thể để đảm bảo tính khả thi.
Ba phương án được đề xuất như sau:
Phương án thứ nhất là vận chuyển hành khách bằng tàu cao tốc từ bến tàu Bạch Đằng đến bến du thuyền SwanBay.
Phương án 2 là vận chuyển hành khách, ô tô bằng bến khách ngang sông từ Bình Khánh, Nhà Bè qua Nhơn Trạch, Đồng Nai, trong đó xây dựng mới cầu bến phía Nhơn Trạch, Đồng Nai và đầu tư khoảng 500 m đường vào bến.
Toàn cảnh Nhà ga hành khách Sân bay Long Thành trong quá trình thi công. (Ảnh: TTXVN)
Phương án 3 là tăng công suất khai thác phà Cát Lái hiện hữu, kết nối đường bộ thông qua đường ĐT.769D (25C) đến sân bay Long Thành khoảng 30 km, thời gian di chuyển 45 - 50 phút. Trong đó, các chuyên gia cho rằng, phương án 1 có tính khả thi cao hơn.
"Trong số các tuyến này, tôi cho rằng tuyến đi từ bến Bạch Đằng có thể dài hơn một chút, xa hơn một chút nhưng nó có lượng khách ổn định vì có khách du lịch", TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, Giảng viên Chương trình phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức, nhận định.
Các chuyên gia cũng cho rằng việc mở các tuyến vận chuyển này cần phải tính toán để mở một dịch vụ. Việc vận chuyển tại các điểm đầu điểm cuối phải đảm bảo tính hoàn thiện, chất lượng, thông suốt mới mang lại hiệu quả lâu dài.
"Dịch vụ phải kết nối tốt các điểm trung chuyển, đặc biệt tại 2 bến xuống tại TP Hồ Chí Minh và bến lên tại Đồng Nai.Chúng ta làm tốt việc đó, mang lại cơ hội tốt để khai thác được năng lực vận chuyển trong thời gian chờ cải thiện tuyến đường sắt và đường bộ cao tốc", TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, giảng viên Chương trình phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức, cho hay.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành rộng 5.000 ha. Giai đoạn 1, sân bay xây một đường cất, hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách mỗi năm, dự kiến hoàn thành năm 2026, hiện các đơn vị chức năng đang rà soát, đánh giá hiện trạng hạ tầng luồng tuyến, cảng, bến thủy nội địa, phương tiện thủy nội địa, cập nhật vào các quy hoạch đang triển khai làm cơ sở đánh giá tính khả thi để thực hiện các phương án.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!