Chia sẻ tại Vòng Chung kết, đồng chí Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng Ban Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi, năm nay, có tổng cộng 406 dự án tranh tài. Trong đó, ghi nhận tới 64 dự án do các thanh niên từ 14 dân tộc thiểu số dự thi.
Bên cạnh số đông dự án về lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát huy tài nguyên bản địa, Ban Tổ chức cũng nhận được nhiều dự án liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa dân tộc. Các tác giả, nhóm tác giả đã chủ động tìm tòi, áp dụng công nghệ hiện đại, thể hiện ý thức cao về tìm hiểu nhu cầu thị trường, nhận diện khách hàng tiềm năng.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng Ban Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi phát biểu.
Triển khai Phong trào "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới"; nhằm cổ vũ, khuyến khích, định hướng và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế khu vực nông thôn của thanh niên và tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên nông thôn trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; đồng thời, phát huy vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế tham gia cơ cấu lại ngành nông nghiệp, năm 2021, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giao Ban Thanh niên nông thôn phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Hiệp hội Nông nghiệp số VIDA, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ tổ chức Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn" năm 2021. Đây là hoạt động thiết thực nhằm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cuộc thi Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn năm 2021 được phát động trong đúng thời điểm dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, đặc biệt đối với các tỉnh phía Nam, tuy nhiên số lượng dự án năm 2021 thu được tăng 17% so với năm 2020 (406 dự án so với năm 2020 là 346 dự án), trong đó có 64 dự án do thanh niên là người dân tộc thiểu số đăng ký tham gia, đến từ 14 dân tộc: Hoa (1), Khmer (9), Tày (28), Dao (4), Thái (3), Raglai (1), Mông (3), Nùng (3), Mường (4), Cao Lan (3), Ê đê (1), Phù Lá (1), Xơ Đăng (2), Ba Nar (1).
Các dự án tham gia Cuộc thi năm 2021 tập trung vào các lĩnh vực:Phát triển nông nghiệp ứng dụng Khoa học kĩ thuật, phát huy tài nguyên bản địa; Bảo vệ môi trường; Bảo tồn văn hóa dân tộc.
- Dự án Phát triển nông nghiệp ứng dụng Khoa học kĩ thuật, phát huy tài nguyên bản địa: 358 dự án.
- Dự án Bảo vệ môi trường: 8 dự án.
- Dự án Bảo tồn văn hóa dân tộc: 30 dự án.
Cuộc thi đã cổ vũ, động viên và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế của thanh niên nông thôn; đồng thời, đã tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy hỗ trợ thanh niên nông thôn trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp. Cuộc thi Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn thực sự đã trở thành sân chơi trong lĩnh vực phát triển kinh tế trong nông nghiệp dành cho thanh niên nông thôn, các dự án vào Chung kết đều có chất lượng tốt, đa dạng và đáp ứng được tiêu chí của cuộc thi.
Phần lớn đề án tập trung vào sản phẩm nông nghiệp dựa trên tài nguyên bản địa hay canh tác nông nghiệp thuận tự nhiên, chủ động tìm tòi, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và có ý thức về sự cần thiết phải tìm hiểu nhu cầu thị trường, nhận diện khách hàng tiềm năng.
33 dự án lọt vào VCK của Cuộc thi.
Thông qua kết quả chấm vòng Sơ khảo của Ban Tổ chức và Ban Giám khảo cuộc thi có 120 dự án từ 26 tỉnh, thành được chọn vào thi vòng Bán kết (đạt tỷ lệ 29,5%). Đặc biệt, 04 chủ dự án là người dân tộc: Tày; thuộc các thể loại: 03 Phát triển nông nghiệp ứng dụng Khoa học kĩ thuật phát huy tài nguyên bản địa, 01 dự án Dự án Bảo tồn văn hóa dân tộc.
Trước khi vào vòng Bán kết, Ban Tổ chức đã tập huấn các thí sinh về: hoàn thiện đề án khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu, tham gia thương mại điện tử, áp dụng số hóa và truy xuất nguồn gốc nhằm giúp đỡ các thí sinh hoàn chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh để các dự án trở nên khả thi hơn.
Vòng Bán kết 3 miền đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong 3 ngày 8, 10 và 11 tháng 12/2021. Kết thúc vòng Bán kết, đã chọn ra được 33 dự án tiêu biểu nhất để thi vòng Chung kết toàn quốc.
Vòng Chung kết và Lễ trao giải cuộc thi được diễn ra từ ngày 22-23/12/2021 với sự tranh tài của 33 dự án.
Giải thưởng của vòng Chung kết:
- 01 Giải nhất: Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức; 50 triệu đồng tiền mặt, được hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc của Trung ương Đoàn với mức vay tối đa 01 tỷ đồng (dự án phải đủ các điều kiện quy định để vay vốn).
- 02 Giải nhì: Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức; 30 triệu đồng tiền mặt, dự án sẽ được hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc của Trung ương Đoàn với mức vay tối đa 500 triệu đồng (dự án phải đủ các điều kiện quy định để vay vốn).
- 03 Giải ba: Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức; 15 triệu đồng tiền mặt, hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc của Trung ương Đoàn với mức vay tối đa 300 triệu đồng (dự án phải đủ các điều kiện quy định để vay vốn) .
- 03 Giải khuyến khích : Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức; 10 triệu đồng tiền mặt, được hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc của Trung ương Đoàn với mức vay tối đa 200 triệu đồng (dự án phải đủ các điều kiện quy định để vay vốn).
- 04 Giải thưởng phụ gồm: 01 giải cho dự án đầu tư; 02 giải cho ý tưởng có ý nghĩa xã hội và tiềm năng phát triển tốt; 01 giải cho dự án đạt tiêu chuẩn hội nhập.
Các dự án lọt vào vòng Chung kết toàn quốc sẽ nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và được Ban Tổ chức cuộc thi giới thiệu với các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ, tư vấn triển khai thực tế đối với các ý tưởng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
Ngoài ra, còn nhiều giải thưởng khác được trao tặng cho các dự án vào vòng Chung kết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!