Dự kiến ngày 21/6, Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long (thời kỳ 2021-2030) sẽ được tổ chức tại thành phố Cần Thơ. Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, gửi đi thông điệp "4 mới" cho vùng đất 'chín rồng': Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới.
Với vai trò đi trước mở đường, quy hoạch đặt ra yêu cầu tập trung triển khai tuyến đường bộ ven biển trở thành hành lang kinh tế thực thụ để đóng góp cho tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế vùng ĐBSCL.
Trải rộng trên 13 tỉnh thành phố, chiếm hơn 12% tổng diện tích, đóng góp 20% GDP của cả nước. Tuy nhiên, chiều dài đường cao tốc của vùng chỉ hơn 5% so với tổng chiều dài đường cao tốc của cả nước. Các trục đường bộ chính phổ biến trong vùng chỉ có hai làn xe ô tô và một làn xe máy cho mỗi bên. Nhiều địa phương chỉ có một số trục đường khác chỉ có một làn xe ô tô và một làn xe máy cho mỗi bên.
Nếu so sánh giữa các vùng miền trong cả nước, thì chiều dài đường cao tốc của ĐBSCL chỉ hơn khu vực Tây Nguyên, thấp hơn miền núi phía Bắc, Đồng bằng Trung du Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Đông Nam bộ.
Hạ tầng yếu kém làm chậm các bước phát triển kinh tế của khu vực, việc làm thiếu hụt dẫn đến tỷ lệ di dân cao nhất cả nước. Báo cáo Kinh tế Thường niên đưa ra số liệu mà nhiều người nhìn vào cũng phải giật mình khi số lượng di cư khỏi ĐBSCL trong thập niên vừa qua gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong Vùng.
Do vậy ĐBSCL trông chờ rất lớn vào hạ tầng giao thông để phát huy hết nguồn lực sẵn có.
Hạn chế về hạ tầng sẽ được thúc đẩy như thế nào khi có Quy hoạch mới? Các địa phương cần chuẩn bị gì cho sự kết nối này? Làm sao để thúc đẩy nhanh chóng liên kết vùng ĐBSCL?
Ông Phạm Hoài Chung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT là khách mời trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 20/6 sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!