Các chuyên gia lĩnh vực sản phụ khoa đến từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tư vấn cho khán giả.
Vào lúc 20h ngày 24/11, chương trình tư vấn trực tuyến: "Ung thư cổ tử cung - Tầm soát và Dự phòng" đã thu hút hàng nghìn khán giả theo dõi và gửi câu hỏi trực tiếp nhờ bác sĩ giải đáp. Tại chương trình, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cùng hai cộng sự là TS.BS Bùi Thị Phương Nga, ThS.BS Kiều Lệ Biên, đã kịp thời giải đáp các thắc mắc của khán giả về căn bệnh ung thư cổ tử cung.
Bên cạnh các câu hỏi quan tâm về các mốc và phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung, các chuyên gia đến từ Trung tâm Sản Phụ khoa đã giải thích kỹ càng cho khán giả những hiểu lầm phổ biến về ung thư cổ tử cung như: bệnh do di truyền, chưa quan hệ sẽ không mắc bệnh, mắc bệnh không thể mang thai… có thể gây ra sự lo lắng cho chị em phụ nữ.
Ung thư cổ tử cung là do di truyền
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, trong các loại ung thư phụ khoa có nhiều loại có yếu tố di truyền, như ung thư vú. Nhưng với ung thư cổ tử cung đặc biệt không có yếu tố di truyền mà chủ yếu do nhiễm virus HPV, cụ thể là type 16 và 18 là nguyên nhân gây ra 70% các ca ung thư cổ tử cung.
Theo một số nghiên cứu, nếu trong gia đình có mẹ hoặc chị em gái mắc bệnh thì những người phụ nữ còn lại nên thăm khám và sàng lọc kỹ hơn, vì họ có thể có sức đề kháng kém với virus HPV. Điều đó đồng nghĩa, những phụ nữ đó khả năng bị nhiễm HPV cao hơn so với phụ nữ khác.
Khi nhiễm virus HPV, cơ thể chị em vẫn có thể tự đào thải virus, nhưng nhiều trường hợp nhiễm virus dai dẳng dẫn đến nguy cơ cao mắc ung thư. Phụ nữ khám phụ khoa định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để kiểm tra, phát hiện các bất thường. Nếu nhiễm HPV, nên làm xét nghiệm PAP’s hoặc soi cổ tử cung để sớm có phác đồ điều trị phù hợp.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh.
Xét nghiệm máu giúp tầm soát ung thư cổ tử cung
TS.BS Bùi Thị Phương Nga, bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa cho biết, xét nghiệm máu không tầm soát được ung thư cổ tử cung. Tầm soát thực hiện trên người đã quan hệ tình dục, vì thế phụ nữ chưa từng quan hệ tình dục thì chưa thể tầm soát do bác sĩ không thể đặt dụng cụ vào âm đạo (mất màng trinh).
Hiện nay, có 3 loại xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung thường được ứng dụng phổ biến, đó là: xét nghiệm Pap, xét nghiệm virus HPV, xét nghiệm Thinprep. Trong đó, xét nghiệm Pap, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra mẫu được lấy từ cổ tử cung của người phụ nữ để tìm tế bào ung thư hoặc các tế bào bất thường có thể biến thành ung thư. Với xét nghiệm virus HPV, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng nhiễm virus HPV thông qua lấy dịch ở ống cổ tử cung, âm đạo. Còn xét nghiệm Thinprep, bác sĩ sẽ tiến hành thu thập mẫu bằng cách dùng chổi đặc biệt để đưa vào cổ tử cung và lấy mẫu. Sau đó, mẫu này sẽ được chuyển vào lọ Thinprep nhằm bảo quản cùng với dung dịch chuyên dụng.
Cả 3 loại xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung trên đều có thể được dùng trong việc sàng lọc sớm ở nữ giới độ tuổi trên 21, có nguy cơ mắc bệnh cao.
Chưa quan hệ tình dục sẽ không mắc bệnh
Theo TS.BS Bùi Thị Phương Nga, một người chưa từng quan hệ tình dục sẽ rất hiếm gặp nhiễm virus HPV. Bởi virus HPV là nguyên nhân chính gây UTCTC, nếu thời gian nhiễm tồn tại và kéo dài lâu. Vẫn có trường hợp nhiễm virus HPV khi chưa quan hệ tình dục như do có tiếp xúc gia đình, xã hội… nhưng HPV tấn công trên cổ tử cung do quan hệ, sang chấn… mới có cơ hội tiếp cận và gây tổn thương vùng cổ tử cung.
Nếu chị em chưa từng quan hệ và dịch âm đạo không bất thường sẽ khó xảy ra tình trạng ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, nếu chị em làm việc trong môi trường nghề nghiệp đặc biệt ảnh hưởng đến đường sinh dục, vệ sinh trong đời sống không được tốt vẫn có thể mắc ung thư cổ tử cung.
TS.BS Bùi Thị Phương Nga, bác sĩ Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh.
Bị ung thư cổ tử cung không thể mang thai
Theo bác sĩ Kiều Lệ Biên, nhiều người lầm tưởng ung thư cổ tử cung không thể mang thai. Tuy nhiên, đây là quan niệm chưa chính xác.
Dựa trên xét nghiệm tầm soát, chụp cộng hưởng từ MRI, bác sĩ sẽ đánh giá thuộc giai đoạn tiền ung thư, ung thư tại chỗ hay ung thư cổ tử cung giai đoạn 1,2,3,4. Tùy theo từng giai đoạn mà đánh giá khả năng mang thai khác nhau. Phụ nữ có thể mang thai tự nhiên hoặc nhờ đến hỗ trợ sinh sản, dự trữ trứng hoặc nhờ mang thai hộ. Tuy nhiên, nếu phát hiện ung thư đoạn trễ cần can thiệp đa mô thức như hóa trị, xạ trị… việc có con rất khó khăn. Do đó, cần biết ung thư cổ tử cung giai đoạn nào để có hướng điều trị tốt nhất.
ThS.BS Kiều Lệ Biên, bác sĩ Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh.
Sau hóa xạ trị ung thư không thể quan hệ vợ chồng?
Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi cho biết, nhiều chị em ám ảnh, lầm tưởng sau hóa xạ trị ung thư không nên quan hệ vợ chồng. Đây là quan niệm chưa đúng. Khi nói về tia xạ, buồng tia phát từ máy gây chết tế bào, những tế bào ác tính được phá hủy, vùng được xạ trị sẽ bị tổn thương tương tự như bỏng, có thể gây sẹo và gây xơ cứng, tiết dịch và viêm do tia xạ.
Hóa trị là đưa thuốc giết tế bào bất thường, giết sạch tế bào ở vùng tổn thương giúp ngăn chặn tiến triển hoặc triệt hẳn tế bào ung thư nhưng có tác dụng phụ như giết tế bào bình thường. Sau 3 tháng có thể kết thúc quá trình hóa xạ trị, chị em có thể quan hệ, nhưng tình trạng viêm sau điều trị có thể làm tổn thương do xơ cứng, bỏng nên cần có sản phẩm hỗ trợ như gel trung tính giúp giảm đau để quan hệ.
Có một số trường hợp có tiết dịch sau hóa xạ trị chị em nên ngừng các hoạt động quan hệ tình dục qua đường âm đạo và gặp bác sĩ kiểm tra tình trạng viêm âm đạo hay không. Qua cuộc thăm khám phụ khoa, bác sĩ sẽ tư vấn giúp chị em có hoạt động quan hệ tốt hơn và an toàn hơn. Người chồng có thể sử dụng thêm bao cao su để đảm bảo an toàn, ngăn ngừa viêm nhiễm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!