Chiều 22/6, thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sau 6 lần lọc máu, kết hợp nhiều phương pháp điều trị tối ưu nhất, bệnh nhân COVID-19 mới 36 tuổi, được đánh giá nguy kịch đã hồi phục hoàn toàn, xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 6 lần liên tiếp và được ra viện chiều cùng ngày.
Đó là bệnh nhân V.T.L (nữ, 36 tuổi) ở Hữu Lũng, Lạng Sơn, có tiền sử khỏe mạnh. Bênh nhân làm việc tại khu công nghiệp Bắc Giang có tiếp xúc F0 ngày 5/5/2021. Sau khi được cách ly xét nghiệm, ngày 10/5/2021, bệnh nhân được khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.
Ngày 12/5/2021, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương do vẫn sốt cao, ho nhiều, khó thở tăng dần.
Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ đánh giá chức năng phổi của bệnh nhân suy giảm nghiêm trọng (chỉ số P/F: 80), việc tự hít thở qua mặt nạ oxy không đảm bảo an toàn cho các chức năng sống của bệnh nhân.
Các bác sĩ tại khoa Cấp cứu bắt buộc can thiệp đặt ống thở và cài đặt thở máy cho bệnh nhân. Sau can thiệp bệnh nhân được chuyển đến đơn vị chăm sóc tích cực Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vào ngày 18/5/2021.
Tại Khoa Hồi sức tích cực, các bác sĩ thăm khám nhận định đây là ca bệnh rất trẻ, tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh, từ các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy, SARS-CoV-2 tấn công làm phổi tổn thương nghiêm trọng, làm suy giảm hệ miễn dịch của người bệnh.
Ngay lập tức, bác sĩ điều trị làm biên bản Hội chẩn xin ý kiến lãnh đạo Bệnh viện và bệnh nhân được chỉ định truyền thuốc tăng cường miễn dịch Imunoglobulin đường tĩnh mạch, giúp cơ thể người bệnh sinh kháng thể IgG chống lại virus, tạo miễn dịch thụ động với SARS-CoV-2.
Sau 2 ngày hồi sức tích cực, chăm sóc toàn diện, thở máy xâm nhập và sau truyền tĩnh mạch 15 lọ thuốc Immunoglobin tạo miễn dịch thụ động. Bệnh nhân vẫn còn sốt cao, tình trạng vẫn nguy kịch, tổn thương phổi nặng nề. Bệnh nhân được lọc máu liên thụ hấp phụ độc tố với màng lọc đặc biệt, cải thiện chức năng phổi.
Sau 3 lần lọc máu liên tiếp và 14 ngày thở máy chế độ đặc biệt với bệnh nhân suy hô hấp cấp tiến triển, đến ngày 22/5/2021, bệnh nhân đã bắt đầu có những tiến triển khá hơn, nhưng các bác sĩ nhận định đây là sự tiến triển rất chậm. Bệnh nhân được chỉ định mở khí quản, chăm sóc hô hấp chuyên sâu, phối hợp thuốc bổ trợ cơ thể, truyền máu và chế phẩm máu, tiếp tục lọc máu hấp phụ độc tố bằng màng lọc đặc biệt thêm 3 lần nữa.
Kết quả sau 6 lần lọc máu, kết hợp nhiều điều trị tối ưu nhất bệnh nhân có tiến triển khá hơn, chức năng phổi tốt lên nhiều. Đến ngày 13/6/2021 sau gần 30 ngày chăm sóc toàn diện, tích cực, bệnh nhân được rút ống mở khí quản, tự thở oxy kính. Bác sĩ tiếp tục điều trị bổ trợ, điều dưỡng tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân, cũng như thường xuyên động viên và chia sẻ về tinh thần.
Tiến sĩ Vũ Đình Phú, Trưởng khoa Hồi sức tích cực nhận định: "Đợt dịch lần thứ tư này, có nhiều ca bệnh nặng và nguy kịch là bệnh nhân trẻ tuổi dưới 40 và không có bệnh lý nền. Việc điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân cần tổng hợp các phác đồ như hồi sức tích cực, theo dõi sát sao, chăm sóc toàn diện, miễn dịch thụ động, bổ trợ nâng cao thể trạng. Những trường hợp bệnh diễn biến nặng kịch phát như trường hợp ca bệnh này, thì nguy cơ tử vong luôn thường trực…".
Cùng với bệnh nhân V.T.L, trong ngày 22/6, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương còn có 8 bệnh nhân cũng được xuất viện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!