Áp lực công việc nghề điều dưỡng

Thùy Dương - Ngọc Minh-Thứ bảy, ngày 26/10/2024 15:10 GMT+7

VTV.vn - Điều dưỡng được ví là một trong những trụ cột của hệ thống y tế nhưng hiện lực lượng điều dưỡng lại đang thiếu nghiêm trọng đặc biệt là tại các cơ sở y tế tuyến cuối.

70% tổng số nhân lực trong bệnh viện là các điều dưỡng viên, con số đủ để chứng minh được vai trò, những đóng góp của lực lượng này trong công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Họ là những người thầm lặng, đóng góp to lớn vào công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện tại, tình trạng thiếu hụt điều dưỡng viên, đặc biệt tại các cơ sở y tế tuyến cuối, đã tạo ra nhiều áp lực cho họ.

Luôn tay, luôn chân cùng lúc làm 3,4 nhiệm vụ trong ca trực với một người trẻ như điều dưỡng Đoàn Kiều Trinh (Khoa Hồi sức tích cực Nội khoa và chống độc, Bệnh viện E), đây là một công việc áp lực dù chị đã có 3 năm công tác tại Khoa Hồi sức tích cực.

Ngay cả với điều dưỡng có hơn 20 năm kinh nghiệm với nghề như anh Đông thì áp lực vẫn luôn thường trực bởi đây là khoa điều trị cho các ca bệnh nặng và nguy kịch. Mỗi ngày 3 ca, 4 kíp, làm cả ngày lẫn đêm nên công việc của các điều dưỡng đều quá tải. Hiện tỷ lệ điều dưỡng tại đây mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% công tác chăm sóc toàn diện.

Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thảo Nguyên, Phó Giám đốc Bệnh viện E, cho biết: "So với những chỉ tiêu của thế giới và ngay cả bản thân chỉ tiêu của Việt Nam chúng tôi cũng không đạt được. Chúng tôi đang tự chủ về mặt kinh phí, về mặt chi thường xuyên. Không dám nhận nhiều người vào làm vì thu nhập chỉ có vậy. Nếu như nhận nhiều vào thì thu nhập anh em sẽ giảm và sức sáng tạp, sức chăm sóc của anh em, khối điều dưỡng sẽ kém đi".

Áp lực công việc nghề điều dưỡng  - Ảnh 1.

Thiếu hụt nhân lực điều dưỡng 

Trong bối cảnh ngành y tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, vấn đề thiếu hụt nhân lực điều dưỡng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Trước đây, nghề điều dưỡng chỉ đơn thuần thực hiện các chỉ định y khoa từ bác sĩ, nhưng hiện nay, họ đóng vai trò quan trọng hơn, từ lập kế hoạch chăm sóc đến xử lý hồ sơ, thống kê sổ sách.

Theo thống kê mới nhất từ Bộ Y tế năm 2023, Việt Nam đang thiếu khoảng 100.000 điều dưỡng. Tỷ lệ điều dưỡng trên dân số hiện chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi tỷ lệ bác sĩ và y tá chuẩn quốc tế là 1/4, tại Việt Nam, con số này chỉ đạt 1/1,5.

Lượng đã thiếu, chất cũng chưa được cải thiện khi ở phần lớn các bệnh viện, điều dưỡng chỉ có bằng trung cấp, trong khi để đáp ứng chất lượng chăm sóc y tế hiện nay, 50-70% điều dưỡng phải đạt được trình độ cao đẳng và đại học.

Trước thực trạng đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đưa ra cảnh báo nếu không tăng cường đầu tư cho đào tạo điều dưỡng, đến năm 2030, ngành y tế Việt Nam có thể sẽ đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 40.000-50.000 nhân lực điều dưỡng. Nhất là khi chúng ta đã qua giai đoạn dân số vàng. Theo quy luật, tuổi càng cao thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe càng lớn. Vì thế, nhu cầu lực lượng điều dưỡng rất lớn.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước