Năm nay, do ảnh hưởng của trạng thái khí quyển đại dương chuyển pha từ El Nino sang La Nina, thời tiết nước ta sẽ có nhiều diễn biến bất thường, mưa, lũ, bão lụt nhiều hơn. Ngay trong tuần tới, Biển Đông có thể xuất hiện một cơn áp thấp nhiệt đới, ảnh hưởng đến nhiều vùng biển nước ta.
Cập nhật đến hiện tại, đã có những dấu hiệu cho thấy khả năng áp thấp nhiệt đới sắp hình thành trên Biển Đông. Đó là rãnh áp thấp đang vắt ngang qua khu vực giữa Biển Đông hoạt động mạnh lên kéo theo đới gió mùa Tây Nam cũng thổi mạnh, khiến mây giông phát triển và gây mưa to, lốc xoáy cho nhiều vùng biển.
Trên rãnh áp thấp này, hình thành vùng áp thấp, sau đó áp thấp tiếp tục tích tụ năng lượng để mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Một yếu tố khác, Biển Đông là một vùng biển ấm. Hiện tại, nhiệt độ mặt nước biển ở đây đang cao trên 30 độ C, cung cấp lượng hơi nước dồi dào, là điều kiện thuận lợi cho áp thấp nhiệt đới hình thành.
Tuần tới Biển Đông có thể xuất hiện áp thấp nhiệt đới
Trước những dấu hiệu như vậy, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã đưa ra những nhận định cụ thể về khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới trong những ngày tới.
"Hiện nay, chúng tôi đang theo dõi một rãnh áp thấp trục Tây Bắc, Đông Nam, đang đi qua khu vực phía Bắc và giữa Biển Đông. Theo dự báo, khoảng ngày 23 - 24/6, sẽ hình thành vùng áp thấp và vùng áp thấp này có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, với xác suất 60 - 70%, còn xác suất mạnh thành bão từ 20 - 30%.
Ap thấp nhiệt đới hình thành trên Biển Đông sẽ di chuyển vào Trung Quốc hoặc đi vào Vịnh Bắc Bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền miền Bắc.
Hiện tại do tác động của rãnh áp thấp có trục đi qua khu vực Bắc và giữa Biển Đông cộng thêm gió mùa Tây Nam mạnh, hầu khắp khu vực Biển Đông đang duy trì tình trạng thời tiết xấu.
Với diễn biến của rãnh thấp và vùng xoáy thấp có khả năng hình thành mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Trong thời gian tới, khu vực Bắc và giữa Biển Đông gồm quần đảo Hoàng Sa sẽ xảy ra tình trạng thời tiết xấu. Nếu áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và tác động đến khu vực Vịnh Bắc Bộ và khu vực biển miền Trung từ Quảng Trị vào đến Quảng Ngãi cũng xuất hiện gió mạnh và mưa dông mạnh", ông Nguyên Văn Hưởng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thông tin.
Một cơ quan dự báo khác là Công ty cổ phần giải pháp thời tiết Weather Plus cũng có những nhận định khá tương đồng. Đó là xuất hiện vùng áp thấp trên khu vực giữa Biển Đông, khoảng đầu tuần sau, khi vùng áp thấp di chuyển qua vùng biển huyện đảo Hoàng Sa đến gần khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc) có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với xác suất 60%.
Bảo đảm an toàn tàu thuyền mùa mưa bão
Các cơ quan khí tượng đều nhận định xác suất hình thành áp thấp nhiệt đới là khá cao. Thời tiết xấu với gió mạnh, sóng lớn đe dọa tàu thuyền trên biển, quanh đảo, các khu neo đậu tránh trú và các diện tích nuôi trồng thủy, hải sản của bà con ven biển miền Bắc, Bắc miền Trung.
Để đảm bảo hoạt động khai thác trên biển an toàn trước dự báo sắp có áp thấp nhiệt đới, bà con ngư dân cùng chính quyền địa phương đã chủ động triển khai các phương án phòng chống thiên tai hiệu quả, thiết thực.
Những ngày này, anh Thịnh (xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) cùng các thuyền viên đã tạm dừng vươn khơi khi nghe thông tin sắp có áp thấp trên biển.
Thường lúc biển động đánh bắt sẽ được nhiều cá, tôm hơn, tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, nhiều ngư dân chấp nhận tìm nơi tránh trú, chờ thời tiết thuận lợi mới vươn khơi trở lại.
"Bão hiện tại đang phức tạp và gió mạnh, nên nghe thông tin bão trên thông tin đại chúng thì tàu bè phải đi tránh trú", anh Phạm Văn Thịnh, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ.
Vào cuối tháng 4 vừa qua, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa có 8 thuyền viên bị lốc xoáy nhấn chìm trên biển, khiến 4 người thiệt mạng. Trước mắt, thời tiết biển sẽ còn diễn biến bất thường và phức tạp hơn do bắt đầu vào mùa bão. Chính quyền địa phương và người dân ven biển đã sẵn sàng những biện pháp ứng phó để đảm bảo an toàn.
"Khi áp thấp và bão có diễn biến trên vùng Biển Đông và các ngư trường khai thác, Chi cục Thủy sản đã tăng cường công tác trực bão, trực giám sát hành trình, xem xét các phương tiện đang còn hoạt động trên biển", ông Nguyễn Xuân Đồng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa, cho biết.
Cùng với sự xuất hiện của hiện tượng La Nina, mưa bão có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp từ nay đến cuối năm. Ngoài việc tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến gió mạnh, sóng lớn trên biển, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, Thanh Hóa đã chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Chuẩn bị ứng phó với mưa lớn
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng nhận định, trường hợp áp thấp nhiệt đới hình thành, bên cạnh gây thời tiết xấu trên biển, áp thấp nhiệt đới còn có khả năng tác động trực tiếp đến đất liền phía Bắc nước ta, gây ra một đợt mưa lớn.
Cảnh báo khoảng từ đêm ngày 24/6 đến ngày 27/6 (từ thứ Hai đến thứ Năm tuần sau), Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xảy ra mưa lớn trên diện rộng. Nhiều nơi mưa vừa, mưa to, cục bộ có những điểm mưa rất to với lượng đến 200 mm.
Mưa lớn trải rộng từ đồng bằng lên vùng núi, cần đề phòng nhiều hiện tượng thiên tai nguy hiểm. Đặc biệt là nguy cơ về ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đá.
Liên tục từ tháng 5 đến nay, miền Bắc đã trải qua nhiều đợt mưa khiến nền đất nhiều khu vực bị suy yếu. Thêm mưa lớn trút xuống, kết cấu đất sẽ bị phá vỡ, thành những khối bùn nhão và dễ bị trọng lực kéo sạt từ trên đỉnh núi xuống, cuốn theo nhà cửa, hoa màu và đe dọa trực tiếp đến tính mạng người dân.
Tranh thủ thời gian này, người dân nên chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó để hạn chế thiệt hại:
- Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo mưa, lũ;
- Chuẩn bị thuyền, phao, bè mảng, vật nổi, làm gác lửng, lối thoát trên mái nhà ở ở tạm, cất giữ đồ đạc phòng khi có lũ;
- Di chuyển gia súc, gia cầm, đồ đạc lên nơi cao để chống ngập;
- Bảo vệ nguồn nước sạch, dự trữ nước uống, lương thực, thực phẩm, thuốc men, các vật dụng cần thiết đủ dùng ít nhất trong 7 ngày;
- Tranh thủ thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản;
- Chủ động sơ tán khỏi vùng bãi sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét;
- Lưu giữ các số điện thoại và địa chỉ liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!