Nắng nóng kéo dài ở Bắc Bộ, Trung Bộ
Do vùng áp thấp tiếp tục phát triển và mở rộng nên ngày 3/7 và ngày 4/7, TP Hà Nội tiếp tục nắng nóng và nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ C; thời gian xuất hiện nắng nóng, nhiệt độ cao hơn 35 độ C là từ 11h đến 16h hàng ngày.
Các tỉnh, thành phố còn lại thuộc miền Bắc nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi cao hơn 37 độ C. Trong đó, Hòa Bình và các tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ C, có nơi cao hơn 38 độ C.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ C, có nơi cao hơn 39 độ C.
Cảnh báo: Nắng nóng ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.
Số ngày nắng nóng nhiều nửa đầu tháng 7, khả năng xuất hiện 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, trong tháng 7, Hà Nội và các tỉnh, thành phố thuộc khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ có khả năng xuất hiện nhiều ngày nắng nóng hơn so với cùng thời kỳ trung bình nhiều năm; tập trung trong 10-15 ngày đầu tháng.
Nhiệt độ trung bình tháng 7 tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc và Bắc miền Trung cao hơn từ 0,5 đến 1 độ C, có nơi cao hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm.
Cụ thể tại Hà Nội, từ ngày 1/7 đến 10/7, nhiệt độ trung bình 30-31 độ C; thời kỳ từ ngày 11/7 đến 20/7 là 29,5-30,5 độ C; từ ngày 21/7 đến 31/7 là 28,5-29,5 độ C.
Đặc biệt trong tháng 7, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện 1-2 cơn bão và có thể ảnh hưởng đến các tỉnh, thành phố miền Bắc, Bắc miền Trung.
Tây Nguyên, Nam Bộ có nhiều ngày mưa to vào buổi chiều
Mưa diễn ra từ chiều đến tối ở khắp khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, trong đó mưa to sẽ tập trung vào các ngày thứ Năm đến Chủ Nhật.
Trọng tâm mưa to bao gồm các tỉnh Nam Tây Nguyên gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, miền Đông Nam Bộ và ven biển từ Tiền Giang đến Bạc Liêu. Lượng mưa tại đây có thể từ 50-100mm.
Tính chất mưa thường dồn dập trong 30 phút đến 1 tiếng nên dễ gây ra ngập úng ở các khu đô thị. Mưa nhiều ngày liên tục khiến mối lo về sạt lở đất cũng luôn thường trực ở vùng núi Tây Nguyên.
Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra tại hẻm 36, đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh: TTXVN
Mưa lớn là yếu tố khách quan gây ra sạt lở nhưng nhìn lại vụ sạt lở kinh hoàng 3 ngày trước tại thành phố Đà Lạt có thể thấy có cả những nguyên nhân khác, trong đó có yếu tố chủ quan của con người.
Trước hết, vị trí xây dựng nhà tại nơi không an toàn. Đó là các ngôi nhà xây dựng ngay ở dưới chân đồi có độ dốc lớn, kết cấu đất tại sườn đồi phía trên cũng không ổn định do chuẩn bị xây dựng một công trình khác và ở đó chỉ mới chỉ xây 1 bờ kè tạm.
Chưa kể với nền đất đỏ bazan vốn dĩ rất mềm và tơi xốp ở khu vực này khi gặp mưa lớn, nước tích lại tạo lực đẩy mạnh khiến vỡ bờ kè rồi đổ ập xuống khu dân cư bên dưới.
Nơi có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa này không chỉ ở Đà Lạt mà còn tại các huyện Lạc Dương, Đơn Dương của Lâm Đồng. Các huyện Đắk Mil, Tuy Đức, Đắk R'Lấp, Đắk Glong, Krông Nô của Đắk Nông và các huyện M Đrắk, Krông Bông, Ea Kar, Cư Kuin của Đắk Lắk cũng cần đề phòng nguy cơ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!