Để chuẩn bị ứng phó với bão số 3, ngày 5/9, trực tiếp kiểm tra công tác tiêu úng trên kênh tiêu Kim Đôi (đoạn qua khu công nghiệp Quế Võ, thị xã Quế Võ), khu vực hầm chui đường Lạc Long Quân (phường Hòa Long) và khu vực công bố tình trạng khẩn cấp về đê điều đoạn qua phường Vạn An (thành phố Bắc Ninh), Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn yêu cầu thành phố Bắc Ninh phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra hệ thống trục tiêu, nạo vét, khơi thông dòng chảy của hệ thống thoát nước, lưu ý đến khả năng thoát nước và ngập úng đô thị.
Riêng kênh tiêu Kim Đôi đoạn qua khu công nghiệp Quế Võ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố Bắc Ninh làm việc với chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp khẩn trương khơi thông các điểm dễ bị ách tắc, đảm bảo tiêu thoát nước khi có mưa lớn.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung cao nhất cho công tác ứng phó với cơn bão; yêu cầu thành phố Bắc Ninh chỉ đạo chính quyền địa phương kiên quyết di dời các tàu thuyền neo đậu và các hộ dân nằm trong khu vực công bố tình trạng khẩn cấp về đê điều trên Hữu Cầu, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh trước mưa bão đến nơi an toàn. Các địa phương tập trung rà soát toàn bộ hệ thống tiêu thoát nước, các trạm bơm tiêu úng, các hệ thống lồng, bè, trang trại nuôi trồng thủy sản, diện tích lúa, hoa màu, sẵn sàng các điều kiện về phương tiện, vật tư ứng phó với cơn bão số 3.
Các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 87 của Thủ tướng Chính phủ, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; chủ động chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, phương án ứng phó ở mức cao nhất, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của toàn dân nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra.
Các đơn vị thường xuyên thông tin, cập nhật diễn biến của bão, tình hình mưa, úng để các cấp chính quyền và nhân dân chủ động ứng phó; khuyến cáo người dân không ra đường khi có bão, mưa lớn; khẩn trương rà soát, có phương án bảo đảm an toàn công trình đê điều, giao thông, thủy lợi, nhà ở, các công trình cao tầng, cẩu tháp; đặc biệt là đảm bảo an toàn về nhà cửa và các nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong những ngày mưa bão...
*Nhằm chủ động trong phòng, chống bão số 3, ngành Y tế tỉnh Ninh Bình chuẩn bị các phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng, chống dịch bệnh. Các phương án được thống nhất tại Hội nghị triển khai công tác y tế phòng, chống bão số 3, tổ chức chiều 5/9 tại trụ sở Sở Y tế.
Ngư dân Ninh Bình chủ động neo đậu tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn. Ảnh: Hải Yến/TTXVN
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thuộc Sở theo dõi kịp thời diễn biến mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát huy phương châm "bốn tại chỗ", đối phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra; chủ động triển khai ngay các phương án phòng, chống lụt bão tại địa phương và địa bàn phụ trách, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ xảy ra lũ, lụt, sạt lở đất. Đối với các huyện có nguy cơ bị ảnh hưởng như: Kim Sơn, Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô, Sở yêu cầu các đơn vị trực thuộc có kế hoạch sơ tán cơ sở y tế vùng trũng, thấp và vùng nguy cơ ngập úng, vùng ven biển.
Sở yêu cầu các đơn vị duy trì quân số cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung và cấp cứu nạn nhân do mưa, lũ gây ra. Các đội cấp cứu cơ động nêu cao tinh thần sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của ngành Y tế và của các địa phương; chuẩn bị sẵn sàng các cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện, thiết bị phòng, chống bão lụt...
Đặc biệt, Sở Y tế giao các đơn vị phải kiện toàn, thành lập các tổ cơ động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống dịch bệnh với tinh thần chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị y tế, cơ số thuốc, hóa chất để chi viện cho các đơn vị khác khi có lệnh điều động; kiện toàn các đội cấp cứu cơ động gồm: 2 đội thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình; 2 đội thuộc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình; các bệnh viện tuyến tỉnh còn lại, Bệnh viện đa khoa các huyện, Trung tâm Cấp cứu 115 và Trung tâm Y tế hai chức năng thành lập 1 đội/đơn vị.
*Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Công điện khẩn yêu cầu các cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị trong tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống bão số 3.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình yêu cầu cấp ủy các cấp trực tiếp chỉ đạo, điều phối các lực lượng, đặc biệt là lực lượng Quân sự, Công an, Biên phòng triển khai công tác ứng phó với bão theo phương châm "4 tại chỗ" và phương án bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh; tổ chức nghiêm túc công tác thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để đối phó và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Nếu địa phương, đơn vị nào để xảy ra thiệt hại về người, tài sản do lỗi chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bão thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị đó phải chịu xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật.
Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình yêu cầu yêu cầu các cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thông chính trị trong tỉnh khẩn trương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về diễn biến và tính chất nguy hiểm, phức tạp của cơn bão số 3, làm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm do cơn bão số 3 gây ra, tránh tư tưởng phó mặc công tác phòng, chống bão cho cơ quan chức năng, đặc biệt là tư tưởng chủ quan, lơ là do nhiều năm trên địa bàn tỉnh không có bão. Qua đó, đề cao cảnh giác, thường xuyên quan tâm theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình của bão và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bão có hiệu quả, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, nhất là tại các khu vực bãi triều, ven biển, ven sông, các bệnh viện, trường học, khu vực tập trung đông dân cư và các cơ quan, doanh nghiệp...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!