Bác sĩ tư vấn bệnh thầm kín ở phụ nữ sau sinh

Tuệ Diễm-Thứ ba, ngày 19/09/2023 11:44 GMT+7

Chương trình tư vấn sức khỏe bệnh "thầm kín" hữu ích cho phụ nữ trên sóng đài truyền hình VTV.

VTV.vn - Nữ giới e ngại vì bệnh lạ ở vùng kín sau sinh, chưa muốn thăm khám trực tiếp đã được các bác sĩ Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tư vấn online.

Són tiểu, giãn âm đạo, sa tử cung là tình trạng nhiều phụ nữ gặp phải sinh nở ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và quan hệ vợ chồng. Nhưng nhiều chị em gặp áp lực tâm lý, không thoải mái chia sẻ cùng chồng, người thân và cả bác sĩ về vấn đề sức khỏe thầm kín. Tất cả e ngại đã được xóa bỏ nhờ chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến do Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp cùng Đài truyền hình Việt Nam thực hiện.

Trong chương trình tư vấn chủ đề "Điều trị đa mô thức: Bệnh són tiểu, sa sinh dục, sa bàng quang" ngày 14-9 vừa qua, rất nhiều câu hỏi thầm kín của chị em phụ nữ đã được gửi về chương trình cùng các chuyên gia từ bệnh viện Tâm Anh, được giải đáp tận tình.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thu thập câu hỏi qua các kênh hotline bệnh viện, hệ thống messenger facebook, hoặc gửi trực tiếp câu hỏi trên fanpage của VTV8, VTV24, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh…

Tại chương trình tư vấn, nhiều phụ nữ khá lạ lẫm với khái niệm vùng chậu, sàn chậu. ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê, bác sĩ cao cấp Trung tâm Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết, trước đây sức khỏe vùng chậu ít được quan tâm. Các cơ quan sàn chậu nằm ở phía dưới cơ thể giữ nhiều cơ quan bàng quang, trực tràng, tử cung, buồng trứng. Vùng chậu được cấu tạo với hệ thống gân, cơ, dây chằng nhằm mục đích giữ vững được các cơ quan nội tạng. Ngoài ra còn có chức năng co thắt cơ hậu môn, niệu đạo đảm bảo chức năng bài tiết, hoạt động tình dục của phụ nữ.

Trải qua quá trình sinh nở, vùng chậu của phụ nữ có thể bị tổn thương, đặc biệt là dễ gặp phải tình trạng giãn rộng, sa cơ quan, thoát khỏi đường sinh dục nữ, gây biến dạng vùng kín. Từ đây chị em có thể gặp tình trạng són tiểu, táo bón, trì nặng bụng, dễ viêm nhiễm, đau khi quan hệ vợ chồng hoặc quan hệ gặp tiếng kêu.

Bác sĩ tư vấn bệnh thầm kín ở phụ nữ sau sinh - Ảnh 1.

TS.BS Lê Phúc Liên (trái) và ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm (phải) tư vấn trực tuyến cho khán giả. Ảnh:BVĐK Tâm Anh.

Trong chương trình tư vấn trực tuyến, nhiều khán giả nữ có chung thắc mắc làm sao để khám và đánh giá són tiểu có liên quan đến bệnh sàn chậu? ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh lý giải, phụ nữ có thể theo dõi số lần đi tiểu trong ngày tăng lên. Nếu mỗi 2 tiếng hoặc chưa tới 1 tiếng đi tiểu một lần, cảm giác gấp, hối thúc không làm chủ được và hầu như lúc nào cũng phải ở gần nhà vệ sinh… là tình trạng đáng báo động. Nhiều chị em còn rơi vào hoàn cảnh bị ướt, són tiểu khi ho, hắt hơi, cười, nói lớn, làm việc nặng hay nhảy dây, chạy bộ... Đây là tình trạng són tiểu liên quan đến bệnh lý sàn chậu, cần điều trị sớm.

Để đánh giá chính xác và đầy đủ, phụ nữ sau sinh cần được đi khám với bác sĩ sản khoa hoặc sàn chậu. Quy trình khám tại bệnh viện Tâm Anh, đầu tiên sẽ đánh giá lâm sàng, hỏi thói quen sinh hoạt, kiểm tra bệnh lý nền kèm theo để đánh giá mức độ bệnh. Tùy theo tình hình, bác sĩ có thể cho làm xét nghiệm nước tiểu, đo chức năng bọng đái, niệu động học hoặc đánh giá sức cơ, chức năng sàn chậu.

Sau khi xác định được bệnh, giai đoạn bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị phù hợp. Bệnh viện Tâm Anh áp dụng phương pháp điều trị đa mô thức, giúp phụ nữ mắc bệnh lý sàn chậu được điều trị hiệu quả.

TS.BS Lê Phúc Liên, Trưởng đơn vị Niệu nữ, Trung tâm Tiết niệu - Thận học, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh lý giải, điều trị đa mô thức là áp dụng nhiều biện pháp trong điều trị bệnh lý sàn chậu một cách hiệu quả và toàn diện. Đầu tiên, chị em cần thay đổi thói quen ăn uống sinh hoạt. Tiếp theo sử dụng phương pháp điều trị bảo tồn (laser, tập sàn chậu, vòng nâng pessary). Một số trường hợp phải kèm theo phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật thành công, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục được tư vấn về thói quen, cũng như tập sàn chậu để giữ được cho sàn chậu săn chắc trong một thời gian dài và tránh tái phát.

Khán giả Ngọc Nguyên chia sẻ, chị sinh con cách đây 3 năm, gần đây thấy đi tiểu luôn có cảm giác không hết, dễ bị són tiểu khi vận động gắng sức. Bản thân có tìm hiểu tập kegel 2 tháng nay nhưng không cải thiện. Bác sĩ Hiền Lê, cho rằng việc tập luyện một mình có thể chưa đủ, hoặc thời gian tập chưa đủ và khuyên chị đi khám tại bệnh viện Tâm Anh để bác sĩ đánh giá lại cơ sàn chậu. Mức nhẹ có thể được tư vấn tập luyện khác hơn, hoặc điều trị bằng laser, tập bằng máy.

Khán giả Bích Ngọc cũng băn khoăn về vùng kín ảnh hưởng sau sinh. Chị cho biết, sau sinh bản thân biết sa thành âm đạo, nhưng không biết phải điều trị không xâm lấn hay phẫu thuật.

Bác sĩ Thanh Tâm giải thích, sa âm đạo có 4 mức độ từ 1-4 và thành âm đạo trước hoặc sau. Tùy vào mức độ sa, nếu trung bình hoặc nhẹ không cần phẫu thuật, có thể điều trị bảo tồn bằng laser. Nếu sa thành âm đạo làm mất thẩm mỹ, hoặc có tổn thương về cấu trúc thì cần phẫu thuật giúp chị em làm lại vùng kín, cải thiện quan hệ vợ chồng.

Theo các bác sĩ, không nhất thiết phải phẫu thuật mới có thể cải thiện quan hệ vợ chồng. Hiện các dịch vụ spa, thẩm mỹ viện ồ ạt quảng bá dịch vụ thu hẹp vùng kín. Nhiều chị em đang "yên ổn" cũng lạm dụng dịch vụ phẫu thuật thu hẹp dẫn đến đường ống âm đạo bị hẹp, gây khó quan hệ. Chưa kể, phẫu thuật tại cơ sở không đảm bảo an toàn, có tai biến nhất định. Trước đó, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận điều trị cho nữ bệnh nhân phẫu thuật thu hẹp vùng kín tại một spa, gây xuất huyết vùng kín ồ ạt, người bệnh được chủ spa đưa vào cấp cứu. Bác sĩ phải cầm máu, may sửa lại vùng kín cho cô gái 26 tuổi.

Theo các bác sĩ, cấu trúc giải phẫu âm đạo có nhiều mạch máu, nếu phẫu thuật không cẩn thận dễ gây hậu quả biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng, biến dạng. Bác sĩ Thanh Tâm cho biết thêm, khi can thiệp cần kỹ thuật và tay nghề của bác sĩ, để không tác động thay đổi quá nhiều về mặt giải phẫu. Nếu làm sai sẽ bị hẹp, co rút âm đạo, sẹo, cắt bị sai lệch, dẫn đến nhiều hệ lụy. Phương pháp phẫu thuật thu hẹp nên áp dụng khi phụ nữ sinh nở đủ con, cơ âm đạo lỏng lẻo không thể đáp ứng với phương pháp laser, tập sàn chậu.

Tại chương trình tư vấn trực tuyến, BS Phúc Liên có chia sẻ thông tin hữu ích cho phái nữ độc thân, chưa từng sinh nở vẫn có nguy cơ sa tạng chậu do yếu tố tập luyện nặng (cử tạ, điền kinh, gym quá sức) hoặc di truyền. Bệnh có thể tấn công mọi phụ nữ dù là phụ nữ còn độc thân, chưa quan hệ.

Để bảo vệ vẻ đẹp, "thanh xuân" thời con gái từ hình thái bên ngoài đến sức khỏe bên trong, các chuyên gia khuyến khích chị em phòng bệnh hơn chữa bệnh. Ngay sau sinh, cần tập luyện bài tập phục hồi cơ sàn chậu để duy trì sự săn chắc khối cơ, giúp duy trì sức khỏe, cải thiện quan hệ sinh dục. Tuân thủ khám phụ khoa 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện các bệnh thầm kín.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước