Bài học gì sau hàng loạt vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh?

Phùng Anh-Thứ sáu, ngày 21/06/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - Sau những vụ cháy thương tâm gây thiệt hại lớn về người và tài sản, người dân cần phải lưu ý đến đường thoát hiểm để phòng khi tình huống không may xảy ra.

Còn sự chủ quan trong công tác phòng cháy chữa cháy

Trong thời gian gần đây, Thành phố Hà Nội đã xảy ra 2 vụ cháy hết sức thương tâm, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đó là vụ cháy nhà trọ có kinh doanh dịch vụ sửa xe đạp điện tại địa chỉ số 1 ngõ 43/98/31, phố Trung Kính, quận Cầu Giấy khiến 14 người tử vong và mới đây nhất là vụ cháy căn nhà 6 tầng kinh doanh vật liệu xây dựng ở đường Định Công Hạ, quận Hoàng Mai làm 4 người tử vong.

Hai vụ cháy thương tâm tại Hà Nội gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự chủ quan của một phận người dân trong công tác phòng cháy chữa cháy.

Điểm chung có thể nhìn thấy ở 2 vụ cháy này là xảy ra cháy đối với loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nằm xen lẫn trong khu vực đông dân cư chật hẹp, cả 2 căn nhà không có lối thoát hiểm thứ 2. Tầng 1 của 2 hộ kinh doanh này đều được sử dụng để bày bán các loại sản phẩm, hàng hoá, đặc biệt là những vật liệu dễ bắt lửa, khi cháy sẽ sản sinh ra các loại khí độc cực kì nguy hiểm. Bất chấp rủi ro, vẫn có nhiều người vì những lý do khác nhau vẫn sinh sống, làm việc ở những căn nhà như vậy.

Bài học gì sau hàng loạt vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh? - Ảnh 1.

Khu vực để linh kiện sửa chữa xe đạp tại khu nhà trọ địa chỉ số 1 ngõ 43/98/31, phố Trung Kính, quận Cầu Giấy.

Khu nhà trọ trên phố Trung Kính là 1 khu nhà 3 tầng với 13 phòng cho thuê, ngoài kinh doanh phòng trọ, đây còn là một cơ sở mua bán, sửa chữa các phương tiện tiện xe đạp, xe máy điện cũ. Qua những hình ảnh người dân sông gần khu trọ này cung cấp, có thể thấy trước khi xảy ra vụ cháy, ở ví trí lối ra vào của khu nhà chất đống các vật dụng để sửa chữa xe đạp, xe máy điện, hơn thế nữa cửa hàng này còn lắp đặt hệ thống sạc pin cho xe điện, đây có thể là một trong những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao. Ngôi nhà này lại nằm sâu trong ngõ nhỏ rộng chưa đến 2m, cách xa mặt đường Trung Kính hơn 200m nên xe cứu hỏa không thể tiếp cận tận nơi. Lực lượng cứu nạn cứu hộ phải kéo đường ống dẫn nước từ đường Trung Kính vào hiện trường để chữa cháy.

Bài học gì sau hàng loạt vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh? - Ảnh 2.

Tầng 1 nhà 207 phố Định Công Hạ, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội.

Còn vụ cháy trên phố Định Công Hạ, đám cháy khởi phát tại vị trí tầng 4 của căn nhà, ở tầng 4 và tầng 5 đều có ban công rất thoáng, khi đám cháy khởi phát và lan rộng, những người bị mắc kẹt trong căn nhà này không thể thoát ra được qua ban công mà phải chạy lên tầng cao để tránh khói, thế nhưng ở tầng 6 và tầng tum của căn nhà lại được chủ nhà thiết kế như một "lô cốt", quây kín bằng khung inox làm cho những người ở bên ngoài không thể tiếp cận ứng cứu. Chính vì vậy 2 vụ cháy này đã gây ra thiệt hại về người và tài sản là rất lớn.

Bài học gì sau hàng loạt vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh? - Ảnh 3.

Đám cháy được phát hiện sớm, ngôi nhà lại nằm sát mặt đường, 2 bên là nhà thấp tầng, dễ tiếp cận, nhưng căn nhà lại được chủ nhà thiết kế như một "lô cốt" khiến cho người dân và lực lượng chức năng khó tiếp cận, ứng cứu.

Chị Đinh Thị Huyền một người dân sống ở phố Định Công Hạ chia sẻ: "Mỗi lần thấy cháy như thế này thực sự tôi thấy rất sợ. Tôi là người ngoài, nghe thấy thôi mà cả đêm tôi cũng không ngủ được. Tôi nghĩ nếu không may xả ra cháy ở gia đình mình thì sẽ phải làm như thế nào, mất đi người thân là một điều rất đau xót. Gia đình tôi cũng buôn bán vật liệu xây dựng, nên sau đợt này tôi sẽ trang bị thêm bình xịt cứu hoả, dây thoát hiểm, và quan trọng là tôi sẽ thiết kế một đường thoát hiểm phụ đề phòng trong trường hợp nguy cấp".

Anh Trần Thiên Sửu người dân trên phố Định Công Hạ cho rằng: "Cần phải rút ra bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc, đó là hộ gia đình ở kết hợp kinh doanh cần phải lưu ý đến đường thoát hiểm khi tình huống không may xảy ra. Cần phải quán triệt một cách quyết liệt và có biện pháp cụ thể, làm sao các hộ gia đình nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy để đảm bảo an toàn, tự cứu mình và người thân trong tình huống không may có đám cháy xảy ra. Khi thiết kế căn nhà của mình cần phải tính toán kỹ, với trường hợp các song sắt quây kín có thể an toàn đối với việc ngăn chặn không cho người ngoài vào trong nhà, nhưng chúng ta không nghĩ đến tình huống xấu nhất khi xảy ra cháy thì không có một đường nào để thoát và lực lượng chức năng cũng sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể phá dỡ, ứng cứu người gặp nạn".

Cần làm gì khi xảy ra cháy nhà?

Trên thực tế ở thủ đô Hà Nội còn rất nhiều hộ gia đình kết hợp nhà ở và sản xuất kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ cao. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân cần hết sức thận trọng đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, không được để hàng hoá, chất dễ cháy trên lối ra, cầu thang bộ hoặc vị trí liền kề với lối ra, cầu thang thoát nạn.

Khi có cháy nhanh chóng thoát ra thang bộ hoặc lối thoát khẩn cấp để ra ngoài, khi cháy tại tầng 1 cần thoát ngay ra cửa chính hoặc cửa phụ, cửa ngách nếu có. Cửa ra ngoài tại tầng 1 nên dùng nên dùng cửa bản lề mở theo chiều lối thoát, hạn chế lắp đặt cửa trượt, cửa cuốn, quy định nơi để chìa khoá, dụng cụ phá dỡ trong nhà để kịp thời mở cửa khi xảy ra cháy, nổ. Trường hợp dùng cửa cuốn thì nên có thêm cửa ngách, cần có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng.

Khi cháy tại tầng 2 trở lên cần chạy vào thang bộ, nếu thang bộ bị nhiễm khói thì tìm lối thoát khẩn cấp qua ban công, lô gia, cửa sổ hoặc lối sang nhà kế bên. Nếu lô gia, ban công có lắp lồng sắt cần có cửa thoát nạn và thang sắt bên ngoài, hoặc trang bị ống tụt, thang dây, dây hạ chậm lắp vào thành ban công, lô gia đảm bảo chắc chắn. Nếu cửa ở lồng sắt có khóa thì cần để chìa khóa ở nơi quy định.

Bài học gì sau hàng loạt vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh? - Ảnh 4.

Những ngôi nhà quây kín khung kính sẽ ảnh hưởng tới công tác cứu hộ

Khi cháy ở tầng 4, hoặc 5 liền kề tầng mái, nếu thang bộ bị nhiễm khói không thể chạy xuống, đồng thời không thể ra được ban công, lô gia thì cần chạy lên mái. Tại tầng mái phải có cửa ra, trường hợp cửa ra có khóa thì để chìa khóa ở nơi dễ thấy và phải có dụng cụ để cắt, phá khóa khi có cháy, sau đó từ mái thoát ra nhà bên. Nếu nhà không có lối lên mái theo thang bộ thì phải làm thang leo, có các bậc thang gắn vào tường nhà và thoát qua cửa lắp, trên dường di chuyển phải hô hoán, báo cháy cho mọi người biết, dùng khăn ướt hoặc mặt nạ phòng độc che kín miệng, mũi để hạn chế ngạt khói khí độc. Trên đường di chuyển có nhiều khói hãy hạ thấp người để di chuyển, tránh hít phải khói khí độc, lần sát theo tường để đến cửa thoát nạn ra ngoài. Nếu phải băng qua lửa, hãy dùng khăn, vải ướt chùm lên người. Tại các lối ra thang bộ, hoặc lối ra khẩn cấp cần lắp đặt đèn chỉ dẫn thoát nạn và đèn chiếu sáng sự cố theo quy định.

Lắp đặt biển quảng cáo bên ngoài nhà phải tuân thủ quy định phòng cháy chữa cháy, không được che hết mặt ban công hoặc lô gia. Trang bị các phương tiện chữa cháy, mỗi tầng có 1 đến 2 bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ, xô nước, chăn chiên và mặt nạ phòng độc để nơi quy định. Trang bị hệ thống cảnh báo cháy sớm cho các phòng để khi có cháy sẽ phát ra tiếng kêu và đưa tín hiệu về điện thoại cho gia chủ biết, việc trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ cháy lan, cháy lớn. Khi xảy ra cháy phải ngắt điện khu vực cháy, gọi điện báo cháy theo số 114, sử dụng phương tiện chữa cháy để dập tắt đám cháy.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước