Quản lý thực phẩm, mỹ phẩm chức năng, mỹ phẩm giả không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường cũng là một trong những nội dung làm nóng phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV trong hai ngày 11 – 12/11. Thật vậy, khi tìm kiếm từ khóa "thực phẩm chức năng, mỹ phẩm" trong phần tổng thuật toàn phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã cho ra 50 kết quả liên quan đến cụm từ này. Với 10 ý kiến chất vấn quan tâm đến thực trạng và việc quản lý các mặt hàng này.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, nguyên nhân khiến thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, không có giấy phép lưu hành được bán tràn lan trên thị trường là do lĩnh vực này mang lại lợi nhuận cao, khiến một số tổ chức và cá nhân không tuân thủ các quy định pháp luật. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng các sản phẩm "hàng xách tay" của người tiêu dùng tăng cao, bởi họ cho rằng các sản phẩm này tốt hơn sản phẩm thông thường.
"Trong lĩnh vực thực phẩm chức năng, các sản phẩm thực phẩm chức năng theo quy định pháp luật cần được công bố rõ ràng. Trên trang web của Bộ Y tế cần có thông tin cụ thể về các sản phẩm đã được công bố và người dân có thể tra cứu những thông tin này trên cổng thông tin của Bộ. Tuy nhiên, có rất nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng chưa được công bố nhưng đã và đang lưu hành trên thị trường. Bên cạnh đó, các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm chưa được công bố vẫn dễ dàng tiếp cận các thị trường vùng ven ngoại ô, vùng xa trung tâm hoặc các khu vực dân cư thưa thớt và đa phần tập trung ở người cao tuổi", ông Lê Đình Quyết, Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội nhận định.
Ông Lê Đình Quyết, Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết về quy định quản lý thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hiện nay
Theo ông Lê Đình Quyết, để giúp người tiêu dùng, đặc biệt là những khách hàng ở vùng nông thôn hoặc vùng ngoại ô, nhận biết rằng một sản phẩm thực phẩm chức năng đã được công bố và đảm bảo chất lượng là một thách thức lớn. Bởi nhiều người mua thực phẩm chức năng là người lớn tuổi, có nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nhưng hầu như không có thông tin cụ thể về sản phẩm. Họ thường tiếp cận thông qua quảng cáo trên các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, TikTok, hoặc qua telesales (tiếp thị sản phẩm, dịch vụ qua điện thoại). Những hình thức tiếp thị này dễ dàng đánh trúng tâm lý người tiêu dùng, khiến họ sẵn sàng mua sản phẩm mà không kiểm tra kỹ. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến kiến thức cho đối tượng này, giúp họ nhận diện sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và đảm báo chất lượng.
Sản xuất thực phẩm chức năng sản xuất hàng giả đem lại lợi nhuận rất cao, vì vậy mà dù lực lượng chức năng liên tục bắt giữ, xử phạt, thế nhưng cũng chỉ như "muối bỏ bể". Mới đây, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Hải Dương vừa thu giữ và xử lý gần 14.000 sản phẩm mỹ phẩm, phụ kiện làm đẹp hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Phú Yên cũng đã tạm giữ gần 3800 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ kèm theo.
"Thực phẩm chức năng xách tay là cụm từ người tiêu dùng thường dùng để chỉ các sản phẩm thực phẩm chức năng do người đi nước ngoài mang về, nhưng trong hệ thống văn bản pháp quy, không có khái niệm chính thức nào về thực phẩm xách tay. Đây chỉ là cách gọi theo thói quen của người tiêu dùng", Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết vè những khó khăn trong việc quản lý thực phẩm, mỹ phẩm xách tay tại Việt Nam
Cũng theo bà Đào Hồng Lan, nếu các sản phẩm thực phẩm xách tay chỉ dùng cho mục đích cá nhân thì không có yêu cầu quản lý nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nếu thực phẩm này được đưa ra kinh doanh, phải tuân thủ các điều kiện kinh doanh thực phẩm chức năng, bao gồm việc đăng ký công bố sản phẩm với cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và dán nhãn phụ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
"Thị trường thực phẩm chức năng hiện nay rất đa dạng, với nhiều kênh phân phối, khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn, đặc biệt là trong khâu hậu kiểm. Điều này dẫn đến tình trạng thực phẩm chức năng xách tay chưa qua kiểm định tràn lan trên thị trường. Tôi cho rằng Bộ Y tế nên phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để đưa ra các quy định pháp lý chặt chẽ hơn nhằm quản lý tình trạng này", ông Lê Đình Quyết nhấn mạnh.
Hiện nay, xuất hiện những hành vi tinh vi hơn như thu mua lại các sản phẩm quá hạn, kém chất lượng hoặc hàng giả rồi đóng gói lại dưới nhãn mác của các sản phẩm ngoại nhập có giá trị cao để bán ra thị trường.
Lực lượng chức năng thu giữ lô hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm kém chất lượng
Ông Nguyễn Đình Ngọ, Đội Quản lý thị trường số 22, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, ngay cả những người có chuyên môn trong lĩnh vực quản lý thị trường cũng gặp khó khăn khi phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng chỉ bằng mắt thường, bởi công nghệ dập nhãn mác hiện nay rất tinh vi và hiện đại.
Mỹ phẩm bị làm giá nhãn mác bằng công nghệ hiện đại, tinh vi
"Theo quan điểm của tôi, việc nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực này chủ yếu liên quan đến việc thực thi các căn cứ pháp lý đã có. Hiện nay, các cơ sở pháp lý đối với sản phẩm thực phẩm chức năng khá đầy đủ. Tuy nhiên, từ khâu kiểm định đầu vào đến công bố và quảng cáo sản phẩm, vấn đề chính là ở công tác công bố, thi hành các quy định pháp luật", ông Lê Đình Tuyển đánh giá.
Cũng theo ông Lê Đình Quyết, khi đã công bố và thực thi các quy định, nếu các bên vẫn vi phạm, có các chế tài để xử lý vi phạm hành chính. Trong pháp luật hình sự cũng có các chế tài đối với hành vi làm giả, nhái sản phẩm. Các quy định trong lĩnh vực y tế cũng đã có các nghị định về xử phạt hành chính. Chẳng hạn, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định mức phạt cao từ 40 – 50 triệu đồng đối với cơ sở sản xuất vi phạm, cùng với các chế tài xử phạt bổ sung. Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế cũng quy định mức phạt từ 20 – 30 triệu đồng cho các hành vi vi phạm và có thể thu hồi giấy phép hoạt động.
Theo Bộ Y tế, trước đây Việt Nam có khoảng 1000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, sau khi áp dụng các quy định liên quan đến tiêu chuẩn, nước ta chỉ còn hơn 200 cơ sở thực hiện đúng theo quy định về sản xuất và đảm bảo chất lượng. Theo Bộ Y tế, trang web của Cục An toàn thực phẩm cung cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp sản xuất đúng quy định, đây là nguồn dữ liệu để các doanh nghiệp và người dân có thể dùng tra cứu các mặt hàng sản xuất theo đúng quy định. Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, trong đó sẽ tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh dược, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, nhất là trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!