Bài toán việc làm với lao động hồi hương

VTV Digital-Thứ tư, ngày 29/06/2022 13:05 GMT+7

VTV.vn - Hiện nay, tỷ lệ lao động hồi hương chưa có việc làm vẫn còn khá lớn.

Cuối tháng 4/2021, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát tại Việt Nam. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 1/2022, cả nước đã có 2,2 triệu người rời thành phố để trở về nhà. Bên cạnh những lao động may mắn tìm được công việc ổn định, hiện nay, tỷ lệ lao động hồi hương chưa có việc làm vẫn còn khá lớn. Nhiều người lao động đang phải đối mặt với những khó khăn về tài chính khi thu nhập dành dụm được trong những năm xa quê đã cạn kiệt.

Hàng chục năm bà Hạnh, cùng chồng và con gái lên thành phố làm công nhân. Cuộc sống đang dần ổn định thì dịch bệnh bùng phát, nhà máy đóng cửa. Tháng 9/2021, khi thu nhập dành dụm được trong những năm xa quê đã cạn kiệt, cả nhà bà phải rời khỏi "miền đất hứa" trong sự bất lực để hồi hương.

Về quê thì dễ nhưng làm gì để trụ lại với quê mới là bài toán nan giải với người lao động. Tuổi đã cao, không thể tìm kiếm việc làm mới, nên cả nhà bà Hạnh đều trông chờ vào nguồn thu nhập đến từ nghề trang điểm mà chị Thu đang theo học.

Bài toán việc làm với lao động hồi hương - Ảnh 1.

Nhiều lao động hồi hương vẫn chưa có việc làm

Sau đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư, Đồng bằng sông Cửu Long đón nhận hơn 1,3 triệu lao động về quê. Tại đây, họ phải đối mặt với bài toán nan giải - lý do khiến họ phải ly hương, đó chính là không có công ăn việc làm.

Do thiếu tư liệu sản xuất, nhu cầu việc làm trên địa bàn không có, cuộc sống khó khăn là không tránh khỏi, nhưng ít ra sống ở quê cũng đỡ phần vất vả lo toan. Gác lại thành phố sau lưng, về nhà được sum vầy bên con cái, người thân.

Theo báo cáo thị trường lao động phổ thông, giữa và hậu giãn cách,\ của vieclamtot.com, trong 1,3 triệu lao động ở Đồng bằng Sông Cửu Long đã hồi hương: có 58% người lao động đã về quê - dự định trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. 42% còn lại đều khẳng định: sẽ không quay lại thành phố.

42% là con số không hề nhỏ. Giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động hồi hương đã và đang được các địa phương nỗ lực thực hiện, dù có không ít khó khăn. Người kiếm việc nhiều hơn số việc làm, vô tình đẩy những lao động lớn tuổi vào thế không thể tìm được việc làm mới. Không ít trường hợp bỗng chốc lâm vào cảnh nợ nần.

Nhiều năm ra đi để vườn bỏ hoang, người lao động khi trở về cũng muốn làm gì đó để trang trải cuộc sống nhưng ở đây, tìm đâu ra việc. Đi thì dở, ở cũng không xong là tình cảnh chung của hàng trăm lao động ở xã nghèo khi trở về.

Thời điểm này, thị trường xuất khẩu lao động đang phục hồi nhanh chóng, sau 2 năm "đóng băng" do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, từ đầu năm đến giữa tháng 6/2022, tổng số lao động Việt Nam - đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng - là 51.677 người. Việt Nam đặt ra chỉ tiêu, trong năm 2022, đưa 90.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Và đây cũng được xem là giải pháp: góp phần rất lớn, vào việc giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững của nhiều địa phương.

Đa phần các lao động đều đến từ các vùng quê khó khăn, mỗi người có mục đích cụ thể khác nhau nhưng nhìn chung đều để cải thiện kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, còn là cơ hội để các lao động trang bị kiến thức, kỹ năng làm việc, tính kỷ luật trong công việc tốt hơn, để khi trở về, họ có thể chuyển đổi cơ cấu việc làm, thoát nghèo bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước