Cuối tháng 7 vừa qua, khi đợt dịch mới bắt đầu bùng phát tại Đà Nẵng, Ngân hàng Thế giới đã viện trợ không hoàn lại trị giá hơn 6,2 triệu USD cho "Dự án hỗ trợ kỹ thuật ứng phó khẩn cấp đại dịch COVID-19".
Còn với trang thiết bị y tế, Việt Nam nhận viện trợ hàng ngàn dụng cụ bảo hộ y tế từ Tổ chức Y tế Thế giới và lô thiết bị y tế trị giá 60 triệu Yen từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Gần đây nhất, vượt nửa vòng Trái đất, Cuba cũng đã cử đoàn chuyên gia y tế và thuốc men sang Việt Nam.
Đại tá Manuel Jesus Sejia Gonzalez, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội "Carlo Finlay" cho biết: "Chúng tôi mang đến Việt Nam hệ thống chẩn đoán virus SARS-CoV-2 và hàng ngàn lọ thuốc được nghiên cứu và sản xuất tại Cuba, đặc biệt là những thuốc điều trị giai đoạn nặng và nguy kịch của bệnh".
Cũng hỗ trợ về mặt chuyên môn, OUCRU, Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford tại Việt Nam đã kề vài sát cánh với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM ngay từ những ngày đầu xảy ra dịch. Đơn vị đã phối hợp với bệnh viện và các đơn vị y tế để xét nghiệm hàng chục nghìn mẫu bệnh và thực hiện các nghiên cứu, phân tích dịch tễ.
"Có giai đoạn mẫu xét nghiệm rất đông. Ở thời điểm đó, các kỹ thuật viên, nhân viên sinh học phân tử của Đơn vị nghiên cứu lâm sàng đại học Oxford đã cùng phối hợp với chúng tôi để thực hiện các xét nghiệm RT-PCR liên tục 24/24 giờ, kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật để có thể đáp ứng nhu cầu xét nghiệm của thành phố ở thời điểm đó" - Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho hay.
Sự giúp đỡ chân tình của bạn bè quốc tế đã tiếp thêm sức mạnh cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu kiểm soát tốt dịch bệnh trên quy mô toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!