"Thành phố Thủ Đức" là nơi có thể đặt kỳ vọng. Ảnh: Dân trí.
Thành phố Thủ Đức - thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM - được sáp nhập từ 3 quận Thủ Đức, quận 9 và quận 2, với vị trí huyết mạch là điểm giao thoa giữa ba tỉnh - thành phát triển hàng đầu Nam Bộ, gồm TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương.
Sau khi sáp nhập, dự kiến thành phố Thủ Đức sẽ có diện tích hơn 211 km2, dân số hơn 1 triệu người. Là thành phố trực thuộc thành phố, tuy nhiên Thủ Đức được nhìn nhận là có tiềm năng phát triển vô cùng mạnh mẽ, với 8 trung tâm quan trọng là: trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm, khu thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc, trung tâm công nghệ cao, trung tâm công nghệ giáo dục, khu công nghệ sinh thái Tam Đa, khu đô thị tương lai Trường Thọ, khu vực Tam Đa, cảng quốc tế Cát Lái.
Ngay sau khi đề xuất thành lập thành phố mới trực thuộc TP.HCM được sự ủng hộ của Chính phủ vào cuối tháng 8 vừa qua, UBND TP.HCM đã lồng ghép nội dung Đề án thành lập thành phố Thủ Đức - tên tạm theo đề xuất của thành phố - vào đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2019 - 2021. Một trong những điều được đặc biệt quan tâm chính là việc lấy ý kiến của cử tri, tức những người đủ 18 tuổi trở lên, có đăng ký thường trú tại địa phương có liên quan đến việc sáp nhập. Lộ trình của việc lấy ý kiến cử tri này dù khá gấp gáp nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả.
Lộ trình lấy ý kiến cử tri về thành phố Thủ Đức
Lộ trình lấy ý kiến cử tri tại 19 phường thuộc 6 quận về sáp nhập phường cũng như cử tri tại 39 phường thuộc quận 2, quận 9, quận Thủ Đức sẽ sáp nhập thành cơ quan hành chính lớn hơn là thành phố Thủ Đức được tiến hành theo các bước:
- Từ ngày 17/9/2020: Niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở UBND phường cũng như các khu phố có liên quan;
- Từ 27/9: Phát phiếu lấy ý kiến đến từng hộ gia đình;
- Ngày 3/10: Từ 7h đến 19h cử tri sẽ đến bỏ phiếu tại trụ sở khu phố hay phường.
Góc ảnh khu vực giáp ranh quận Thủ Đức và quận 9. Ảnh: Dân trí.
Trước ngày 5/10, các địa phương phải tổng hợp xong ý kiến cử tri để nếu có hơn 50% tổng số cử tri trên địa bàn tán thành sẽ tiếp tục triển khai các bước sau:
- Ngày 9/10: HĐND phường thảo luận, biểu quyết tán thành hoặc không tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính;
- Ngày 10/10: HĐND quận thảo luận, biểu quyết tán thành hoặc không tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính;
- Ngày 12/10: HĐND TP.HCM sẽ họp cho ý kiến.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM sẽ đóng vai trò phản biện cho Đề án.
Trước ngày 25/10, Sở Nội vụ tham mưu UBND TP.HCM hồ sơ Đề án trình Bộ Nội vụ.
Điều không chỉ hơn 1 triệu cư dân tại quận 2, quận 9, quận Thủ Đức quan tâm mà còn là sự quan tâm chung của hơn 10 triệu cư dân TP.HCM chính là việc thành lập thành phố mới với tên gọi được đề xuất là thành phố Thủ Đức. Sự thay đổi này không chỉ đơn giản là thay đổi một cái tên.
Những người trong cuộc có những băn khoăn và kỳ vọng gì với chủ trương này của TP.HCM?
Băn khoăn và kỳ vọng về thành phố Thủ Đức tương lai
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!