Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp. (Ảnh: TTXVN)
Bản sao điện tử được chứng thực có giá trị như bản chính. Người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn đối với đa số các thủ tục hành chính, hạn chế tình trạng phải nộp bản sao chứng thực, hay xuất trình bản giấy khi xác minh hồ sơ, đồng thời góp phần đẩy mạnh giao dịch và thanh toán điện tử.
Bản sao chứng thực điện tử được ký số, đóng dấu và sử dụng lại được nhiều lần. Trong năm ngoái, số lượng bản sao chứng thực được thực hiện là hơn 100 triệu bản, nếu chỉ cần sử dụng lại được 30% kết quả chứng thực, có thể tiết kiệm hơn 400 tỷ đồng mỗi năm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ và các cơ quan liên quan xây dựng thông tư, hướng dẫn để cụ thể hóa mẫu bản sao chứng thực điện tử. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam cùng phối hợp triển khai dịch vụ, thống nhất về quy trình, đảm bảo tiện lợi cho người sử dụng.
Trên tinh thần vừa làm, vừa hoàn thiện thể chế, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng lưu ý cần đặc biệt chú trọng bảo mật thông tin, bởi theo ông Mai Tiến Dũng, vấn đề này nếu không làm chặt chẽ sẽ gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi, lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Để dịch vụ khai trương vào ngày 1/7/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nghị các cơ quan, người dân, doanh nghiệp tiếp tục tích cực ủng hộ chủ trương của Thủ tướng Chính phủ để đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!