Bảo đảm an toàn các công trình đường ống dẫn khí quốc gia trên biển

Phong Nguyễn - Quang Hà-Thứ ba, ngày 17/12/2024 15:16 GMT+7

VTV.vn - Để đảm bảo an toàn cho các tuyến ống khí dưới biển, ngăn ngừa nguy cơ rò rỉ khí, lực lượng chức năng đã phát hiện kịp thời nhiều tàu bè xâm phạm hành lang an toàn ống khí.

Ngoài khơi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện có 3 tuyến ống dẫn khí vận chuyển khí từ các mỏ vào đất liền phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất điện, đạm gồm: Tuyến ống khí Nam Côn Sơn Pipeline, Nam Côn Sơn P2 và Bạch Hổ.

Việc bảo đảm an ninh, an toàn cho các công trình tuyến ống khí từ biển vào đất liền là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với các đơn vị quản lý, vận hành và của chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang đang đóng chân trên địa bàn như: Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân…

Ngăn chặn kịp thời nhiều vụ tàu bè xâm phạm hành lang an toàn ống khí trên biển

Đại tá Trần Ngọc Tăng - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Những năm qua, tình hình an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ trên địa bàn khu vực biên giới biển, cửa khẩu cảng biển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ổn định, kinh tế xã hội phát triển, quốc phòng an ninh được củng cố và giữ vững. Tuy nhiên, tình trạng các phương tiện có dấu hiệu vi phạm hành lang an toàn công trình dầu khí trên biển vẫn xảy ra thường xuyên; tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn, cháy nổ… tác động sâu sắc đến công tác bảo vệ an ninh an toàn dầu khí và chủ quyền vùng biển.

Bảo đảm an toàn các công trình đường ống dẫn khí quốc gia trên biển - Ảnh 1.

Hai chiếc tàu cá đánh bắt hải sản xâm phạm hành lang an toàn tuyến ống khí. Ảnh: BĐBP cung cấp.

Do đó, BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư lệnh BĐBP và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, BCH BĐBP tỉnh phối hợp chặt chẽ với 4 đơn vị dầu khí gồm: Liên Doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Tổng Công ty Khí Việt Nam, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam đã ký kết triển khai Quy chế phối hợp số 890/QCPH-DK-BP ngày 28/5/2014 về bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí và bảo vệ chủ quyền vùng biển. 

Bảo đảm an toàn các công trình đường ống dẫn khí quốc gia trên biển - Ảnh 2.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang yêu cầu một tàu cá vi phạm dừng lại để kiểm tra do xâm phạm hành lang an toàn tuyến ống khí trên biển. Ảnh: BĐBP cung cấp

Từ năm 2019 đến nay, qua 5 năm thực hiện quy chế, các lực lượng, đơn vị đã thường xuyên duy trì công tác trao đổi thông tin tình hình về chủ quyền vùng biển, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của địch và các loại đối tượng, hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán sử dụng trái phép chất ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh trật tự tại khu vực biên giới biển, khu vực cửa khẩu cảng biển. Đồng thời thường xuyên trao đổi về tình hình các tàu cá đánh bắt, khai thác trên biển vi phạm hoạt động dầu khí và hoạt động của các tàu hải giám, chấp pháp của nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển, vi phạm hành lang an toàn các mỏ dầu khí của Việt Nam. 

Bảo đảm an toàn các công trình đường ống dẫn khí quốc gia trên biển - Ảnh 3.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tuyên truyền cho ngư dân đánh bắt hải sản không xâm phạm hành lang an toàn tuyến ống khí trên biển. Ảnh: BĐBP cung cấp

BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng Tổng Công ty Khí đã tổ chức được 606 lượt tuần tra gần bờ, xa bờ… qua đó phát hiện xua đuổi nhiều phương tiện có hành vi đánh bắt, neo đậu trong hành lang an toàn đường ống dẫn khí. 

Qua kiểm tra, đã xử phạt 3 vụ với giá trị 300.000.000 đồng về hành vi "xâm nhập trái phép trong vùng an toàn dầu khí của các công trình dầu khí trên biển" theo Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ. Đồng thời xử phạt 360 vụ hơn 7 tỷ đồng về các hành vi không đảm bảo các điều kiện khai thác thủy sản, vi phạm an toàn hàng hải, mất an ninh an toàn khu vực cảng biển… 

Lực lượng Biên phòng Cửa khẩu phối hợp với lực lượng bảo vệ an ninh cảng duy trì thường xuyên công tác tuần tra trên bộ. Qua tuần tra đã ngăn chặn nhiều lượt ghe thuyền của ngư dân xâm nhập mặt nước cảng, bảo đảm an toàn cho tàu neo đậu, giảm nguy cơ cháy nổ xảy ra.

Bảo đảm an toàn các công trình đường ống dẫn khí quốc gia trên biển - Ảnh 4.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang yêu cầu một thuyền trưởng tàu cá ký cam kết đánh bắt hải sản không xâm phạm hành lang an toàn tuyến ống khí trên biển. Ảnh: BĐBP cung cấp

Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thường xuyên phối hợp các đơn vị dầu khí tham gia diễn tập phòng chống khủng bố, ứng phó sự cố tràn dầu; tham gia diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại các cảng dầu khí như Cảng Vietsovpetro, Cảng PTSC, Kho cảng PV GAS Vũng Tàu, bảo đảm an ninh an toàn tại các kho cảng, nâng cao hiệu quả công tác hiệp đồng khi có tình huống xảy ra. 

Đơn vị cũng phối hợp hiệu quả trong tiếp nhận, bàn giao các trường hợp công nhân tai nạn lao động trên nhà giàn, ngư dân tai nạn trên biển, vận chuyển bằng trực thăng từ các giàn khoan vào sân bay Vũng Tàu và vận chuyển bằng tàu biển vào các cảng dầu khí đảm bảo nhanh chóng, kịp thời. 

Bảo đảm an toàn các công trình đường ống dẫn khí quốc gia trên biển - Ảnh 5.

Hình vẽ mô phỏng tuyến ống khí dưới đáy biển.Ảnh: Cắt từ clip nhà máy NCS cung cấp.

BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng phối hợp với các đơn vị trên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động quần chúng nhân dân về bảo đảm an ninh an toàn các công trình dầu khí và bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển. 

Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng trong quá trình tuần tra, kiểm soát kiểm chứng tại các cảng cá, thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền hướng dẫn cho chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân nắm chắc, chấp hành nghiêm quy định pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn các công trình dầu khí; đồng thời điều tra, xác minh, xử lý các trường hợp tàu cá tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có dấu hiệu vi phạm hành lang an toàn công trình dầu khí theo thông báo của 4 công ty dầu khí. 

Bảo đảm an toàn các công trình đường ống dẫn khí quốc gia trên biển - Ảnh 6.

Hình vẽ 3D mô phỏng tuyến ống khí dưới đáy biển. Ảnh: Cắt từ clip nhà máy NCS cung cấp


Tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân sống dọc 2 bên hành lang tuyến ống khí

Ông Vũ Ngọc Kiên - Trưởng phòng An toàn, Sức khoẻ, Môi trường Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn cho biết: "Hiện đơn vị đang vận hành và quản lý hệ thống đường ống khí dưới biển có chiều dài gần 400 km từ mỏ Lan Tây về tiếp bờ tại thị trấn Long Hải (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), rồi vận chuyển trên bờ khoảng 40km về các nhà máy điện, đạm tại thị xã Phú Mỹ.

Bảo đảm an toàn các công trình đường ống dẫn khí quốc gia trên biển - Ảnh 7.

Một vụ rò rỉ khí xảy ra tại tuyến ống khí ở biển Vũng Tàu xảy ra năm 2013. Ảnh: Cắt từ clip nhà máy NCS cung cấp.

Việc đảm bảo an toàn cho tuyến ống khí quốc gia là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đối với các công trình dầu khí, nếu xảy ra cháy nổ thì thật sự là một thảm hoạ lớn. Khi chẳng may xảy ra sự cố, có thể sẽ phải dừng hoạt động nhà máy nhiều ngày. Khi đó, chúng tôi sẽ không thể cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện, đạm. Thứ hai thiệt hại về con người cũng như tài sản trên diện rộng khu vực xảy ra tai nạn là rất lớn.

Để ngăn đảm bảo an toàn cho các công trình đường ống dẫn khí, đặc biệt hành lang tuyến ống bên ngoài khu vực hàng rào công ty đang quản lý, hàng năm chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương, tuyên truyền

cho khoảng trên 2.000 hộ dân sống dọc 2 bên hành lang tuyến ống, biết được thông tin về những mối nguy khi xâm phạm vào tuyến ống dẫn khí trên đất liền từ thị trấn Long Hải về thị xã Phú Mỹ. 

Bảo đảm an toàn các công trình đường ống dẫn khí quốc gia trên biển - Ảnh 8.

Khu vực mặt biển nơi vụ rò rỉ khí xảy ra năm 2013 tại biển Vũng Tàu. Ảnh: Cắt từ clip nhà máy NCS cung cấp.

Còn đối với hành lang tuyến ống dưới biển, chúng tôi phối hợp với Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và 8 tỉnh miền Trung từ TP Đà Nẵng trở vào TP Hồ Chí Minh để tuyên truyền cho các ngư dân và các DN vận tải biển nhận biết được phạm vi hành lang an toàn tuyến ống khí ngầm dưới biển không đi vào. 

Ngoài việc phối hợp với Biên phòng, chính quyền địa phương, chúng tôi trang bị phầm mềm cảnh báo: Đối với tuyến ống khí trên bờ, chúng tôi trang bị phầm mềm cảnh báo sớm để phát hiện được các hành vi, có nguy cơ gây rủi ro đến các công trình đường ống như việc đào bới, xe tải nặng trên 5 tấn hoặc khi bị xì khí.

Bảo đảm an toàn các công trình đường ống dẫn khí quốc gia trên biển - Ảnh 9.

Hình vẽ 3D mô phỏng một chiếc mỏ neo từ 1 chiếc tàu thả xuống móc vào ống dẫn khí gây ra vụ rò rỉ khí xảy ra năm 2013 tại biển Vũng Tàu. Ảnh: Cắt từ clip nhà máy NCS cung cấp.

Trong các năm vận hành, chúng tôi đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm đến công trình. Điển hình như năm 2002, phát hiện, ngăn chặn kịp thời 1 trường hợp xe cuốc của một DN đào trên hành lang tuyến ống khí của chúng tôi mà chưa được cấp phép. Cái vết đào đó cách đường ống khoảng 20 cm. Nếu vết đào của xe cuốc này tiến sâu hơn 20 cm nữa thì có nguy cơ làm bể đường ống dẫn đến cháy nổ. 

Đối với các công trình đường ống dưới biển, chúng tôi có 2 hệ thống để giám sát, kiểm soát công tác an ninh, an toàn. Một là đối với hệ thống tàu hàng, chúng tôi có hệ thống AIS để giám sát tất cả các tàu hàng neo, đậu trong phạm vi hành lang an toàn tuyến ống dưới biển. 

Bảo đảm an toàn các công trình đường ống dẫn khí quốc gia trên biển - Ảnh 10.

Hình vẽ 3D mô phỏng robot từ tàu xử lý sự cố đang tiếp cận vị trí ống khí bị rò rỉ để khắc vụ rò rỉ khí xảy ra năm 2013 tại biển Vũng Tàu. Ảnh: Cắt từ clip nhà máy NCS cung cấp

Còn đối với các tàu cá, chúng tôi phối hợp với Cục Thuỷ sản xây dựng hệ phầm mềm để giám sát tàu cá trong khu vực hành lang an toàn tuyến ống trên biển từ khu vực mỏ Lan Tây vào trong bờ. Nếu phát hiện tàu cá thả neo, đánh bắt trong hành lang tuyến ống, chúng tôi sẽ phối hợp với lực lượng Biên phòng làm công tác xua đuổi, tuyên truyền cho ngư được biết di dời tàu ra khu vực an toàn.

Gần đây chúng tôi cũng phát hiện được một số tàu cá, đánh bắt trong khu vực hành lang an toàn tuyến ống khí trên biển và đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng xử lý nhiều vụ vi phạm. 

Bảo đảm an toàn các công trình đường ống dẫn khí quốc gia trên biển - Ảnh 11.

Các dàn khoan dầu khí ngoài khơi TP Vũng Tàu. Ảnh: Cắt từ clip nhà máy NCS cung cấp

Ông Vũ Ngọc Kiên - Trưởng phòng An toàn, Sức khoẻ, Môi trường Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn cũng cho biết, nguy cơ lớn nhất là tàu bè thả neo, móc vào đường ống, có thể gây thủng đường ống dẫn đến rò rỉ khí. Một là gây ra cháy nổ, đối với các thiết bị vi phạm. Thứ 2 là làm cho việc cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy sản xuất điện, đạm bị gián đoạn, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia vì phải mất nhiều thời gian để sửa chữa.

"Hiện chúng tôi có 1 lực lượng tuần tuyến, cứ 30 phút đi tuần 1 lần, từ 6h sáng đến 18h tối để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm hành lang an toàn đường ống dẫn khí. Bên cạnh đó, tuyên truyền cho người dân nắm bắt được những quy định an toàn, không xâm phạm hành lang an toàn đường ống khí" - ông Kiên cho biết thêm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

giá dầu

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước