Chưa thể lọt top học sinh đứng đầu môn chuyên, em Bùi Gia Thịnh không khỏi lo lắng và áp lực. Nhất là khi đang trong giai đoạn nước rút để chuẩn bị thi vào lớp 10 trường chuyên tại Hà Nội.
Thịnh chia sẻ: "Em cảm thấy bực mình, bí bách, sau những lần ấy không có ai chia sẻ và sau những lần như thế em sẽ chọn cách giải quyết là im lặng. Kiểu chia sẻ cho bố mẹ nó cũng không thuận tiện vì nhiều khi bố mẹ không phản ứng theo cái ý mình mong muốn".
Chị Nguyễn Thị Minh Hằng (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) thì cho hay: "Mình cứ nghĩ con mình đẻ ra thì chắc chắn là mình hiểu nhưng có những vấn đề mà con không thể chia sẻ được với bố mẹ mà những điều ấy là thầm kín mình cũng không biết được".
Vì không để ý nên rất nhiều trẻ mắc bệnh, phụ huynh không hay biết. Để rồi áp lực dồn nén ngày một lớn dẫn đến những khoảng trống trong tâm lý gây ra rối loạn sức khỏe tâm thần.
Ảnh minh họa. Ảnh: Báo Người lao động.
Theo ThS.BS. Bùi Phương Thảo, Khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương: "Nhiều phụ huynh cứ nghĩ là họ quan tâm đến trẻ nhưng thật ra họ quan tâm chưa đúng cách đến các dấu hiệu của trẻ. Đến khi mà đến gặp chúng tôi thường là các trường hợp khá nặng thì điều trị khó khăn hơn. Cái bệnh đó rõ ràng mình có thể ngăn chặn và chữa trị kịp thời được. Thứ hai là khi mắc vấn đề về sức khỏe tâm thần thì khả năng lao động và học tập của các bạn ấy giảm từ 40-70% sức lao động. Bản thân các bạn ấy sẽ sống không hạnh phúc, nặng nề và lúc nào cũng có ý nghĩ về cái chết".
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 800.000 ca tự tử. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm hơn 26% và trẻ cố gắng tự tử lên đến gần 6%. Khi rơi trạng thái khủng hoảng tâm lý, sẽ chẳng thể biết được những hệ lụy khôn lường. Làm bạn cùng con chứ đừng áp đặt con.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!