Báo động tình trạng bạo hành trẻ em

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 30/12/2021 19:05 GMT+7

VTV.vn - Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2020 có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ bị phát hiện. Đáng nói, 97% số vụ bị phát hiện, kẻ gây hại đều thân, quen với nạn nhân.

Phẫn nộ vụ em bé 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong

Những ngày cuối năm, dư luận lại dậy sóng bởi 1 câu chuyện buồn, khi mới đây, một em bé 8 tuổi tại TP Hồ Chí Minh đã bị vợ chưa cưới của bố đánh đập, bạo hành dẫn đến tử vong. Người phụ nữ gây ra cái chết của cô bé đã bị bắt và bị khởi tố về tội "hành hạ người khác" nhưng vẫn còn đó những dư âm của sự bàng hoàng và phẫn nộ.

Khu chung cư ở Phường 22, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh - nơi cô bé 8 tuổi đã từng sống với bố và mẹ kế. Ở đây, đáng lẽ em phải được hưởng một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Nhưng ai ngờ, đây lại chính là nơi em phải từ giã cõi đời một cách tức tưởi. Những người dân ở đây cho biết đã từng biết có việc bạo hành bé.

Báo động tình trạng bạo hành trẻ em - Ảnh 1.

Phải làm cho ra lẽ cũng là mong mỏi lớn nhất lúc này của luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - người đang đồng hành cùng gia đình cô bé 8 tuổi tìm lại công bằng cho em. Theo bà Nữ, em bé đã bị mẹ kế bạo hành từ lâu. Trên người em có nhiều vết thương chồng chất cả mới lẫn cũ.

Không chỉ phẫn nộ về hành vi tàn nhẫn của người mẹ kế đối với 1 em bé không có sức phản kháng, bà Nữ còn đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người bố trong vụ việc này. Thay vì bảo vệ con mình, người cha lại đang tâm nhìn kẻ thủ ác hành hạ con, thậm chí có hành vi bao che, giấu giếm cho thủ phạm.

Vì tính chất và mức độ nghiêm trọng của vụ việc, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng không thể đồng tình với tội danh "hành hạ người khác" do Công an quận Bình Thạnh TP Hồ Chí Minh đề xuất là chưa đủ, mà phải là Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, thậm chí là giết người. Luật sư Nữ và gia đình nạn nhân chỉ mong vụ án được thực hiện nghiêm minh, đúng người đúng tội, tìm lại công bằng dù muộn màng cho em.

Báo động tình trạng bạo hành trẻ em

Những vụ việc bạo hành trẻ đến tử vong không chỉ có 1 mà ngay trong tháng trước, cũng có một em bé bị chính người trong gia đình bạo hành dẫn tới tử vong. Đó là một bé gái mới chỉ 3 tuổi ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang.

Báo động tình trạng bạo hành trẻ em - Ảnh 2.

Người cha dượng bạo hành bé gái mới 3 tuổi dẫn đến tử vong là Trần Văn Khởi (sinh năm 1995), thường xuyên bạo hành con riêng của vợ bằng cách châm điếu thuốc đang cháy vào miệng em nhỏ, dùng kìm nhổ răng của bé, dốc đầu em bé mà đánh. Lý do chỉ bởi bé hay tè dầm.

Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận trung bình 30.000 cuộc gọi mỗi tháng. Nhưng trong năm 2021, thời gian nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, trẻ hầu hết ở trong nhà với người thân, số cuộc gọi tăng tới 40.000 - 50.000 cuộc mỗi tháng. Một nửa số cuộc gọi đến đường dây nóng là trẻ em từ 11-18 tuổi. Con số đặt ra câu hỏi, liệu trẻ dưới 11 tuổi có biết đến tổng đài bảo vệ trẻ em và có thể gọi xin trợ giúp được hay không?

Báo động tình trạng bạo hành trẻ em - Ảnh 3.

Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2020 có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ bị phát hiện. Đáng nói, 97% số vụ bị phát hiện, kẻ gây hại đều thân, quen với nạn nhân. Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi vẫn là điều mà các bậc cha mẹ lý giải cho hành động của mình.

Không khó để mua được những chiếc roi để đánh phạt trẻ. Khi thử tìm roi mây ở trên mạng, trong vòng 1 giây đã ra vài nghìn kết quả trên google và một loạt các cửa hàng thương mại điện tử có bán. Phía dưới là những dòng đánh giá chất lượng sản phẩm sống động và chân thực: "Roi hơi ngắn nhưng là mây xịn. Đánh phát nào chắc phát đó" hay "Roi chất lượng nhưng vẫn hơi to, bé tí nữa đánh mới thấm được". Không hiểu những người mua roi muốn các em bé "thấm" đến mức nào trong khi đánh trẻ em là hành động trái pháp luật.

Trách nhiệm từ cộng đồng bảo vệ trẻ khỏi bạo hành

Nhắc lại những câu chuyện khiến chúng ta đau lòng không phải để khoét sâu vào nỗi đau của gia đình mất người thân mà để nói lên hiện thực về quan niệm dạy dỗ và giáo dục trẻ. Mặc dù đánh trẻ là hành động trái pháp luật nhưng nhiều người lại dửng dưng khi thấy bố mẹ đánh trẻ vì cho rằng đó là việc riêng của gia đình. Chính việc không can thiệp ngay từ đầu, rồi "trong nhà đóng cửa bảo nhau" đã khiến nhiều sự việc trở nên nghiêm trọng, ngoài tầm kiểm soát.

Phía sau cánh cửa của một gia đình, có thể là những lời kêu cứu. Có nhiều vụ bạo hành trẻ đã xảy ra, hàng xóm biết nhưng không báo các cơ quan chức năng.

Báo động tình trạng bạo hành trẻ em - Ảnh 4.

Luật Trẻ em quy định rất rõ các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi đến cơ quan có thẩm quyền.

Khi phát hiện các vụ việc bạo lực trẻ em, dù là người trong nhà hay chỉ là hàng xóm, người qua đường cũng hãy báo ngay cho công an hoặc đường dây nóng bảo vệ trẻ em 111 - hoạt động miễn phí 24h/7 ngày. Thông tin, danh tính của người tố cáo, tố giác hành vi phạm tội sẽ được bảo mật hoàn toàn, người dân không lo sợ bị trả thù.

Dịch COVID-19 và các biện pháp giãn cách xã hội khiến trẻ em bị cô lập và đối mặt với nhiều rủi ro. Khi trẻ nghỉ học, các nhà trường không nên bỏ bẵng mà vẫn cần có sự thăm hỏi định kỳ, kiểm tra tình hình của trẻ. Trẻ em như những hạt giống nhỏ, phải được chăm sóc, vun trồng bằng những bàn tay yêu thương.

"Không khoan nhượng" với bạo lực trên toàn cộng đồng là điều mà Quỹ Nhi đồng LHQ muốn lan tỏa. Ví dụ, hàng xóm khi chứng kiến bạo lực hay nghe tiếng khóc cần lập tức báo chính quyền, nhân viên y tế hay giáo viên khi nhận ra dấu hiệu bạo lực ở trẻ nhỏ cũng cần báo cáo ngay. Các vụ xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng, thậm chí còn tăng nhiều hơn trong thời gian giãn cách vì COVID-19, báo hiệu cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để trẻ em thực sự được an toàn trong chính mái nhà của mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước