Ca dao có câu "Trông trời trông đất trông mưa. Trông mây trông nắng trông ngày trong đêm", để nói về sự vất vả của người nông dân sau một vụ mùa đổ mồ hôi sôi nước mắt trên cánh đồng. Nhưng giờ đây, đôi khi, để một vụ mùa canh tác suôn sẻ, thuận lợi - người dân ở một số địa bàn ở Hưng Yên, Bắc Ninh… còn có thêm một nỗi lo khác, vì phải "trông" cả chất lượng nước tưới. Khi nguồn nước từ các con sông vốn dĩ là hệ thống thủy lợi cung cấp nước tưới tiêu chính đã lâm vào tình trạng ô nhiễm nặng nề.
Nạn canh tác bằng nước bẩn vì sông ô nhiễm
Theo người dân, thời điểm này lúa mới cấy xong, nhu cầu nước tưới dưỡng cần hơn bao giờ hết. Không có nước thì lúa chết. Nên có nước bẩn bơm vào vẫn còn hơn không. Nguồn nước phục vụ canh tác cho hơn 4.000 hecta lúc ở Hưng Yên - chủ yếu từ sông Bắc Hưng Hải. Nhưng nước sông lúc nào cũng đen như nhớt thải. Nên bơm vào ruộng đến đâu, nước bẩn nhuộm màu cho gốc lúa đến đó.
Cũng cùng chung tình cảnh không có sự lựa chọn nào khác - người dân tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh đang phải canh tác bằng thứ nước không thể đen hơn, khi bơm trực tiếp từ con sông Ngũ Huyện Khê, vốn nằm trong hệ thống thủy lợi Bắc Đuống.
Khi cả cánh đồng không có nước sạch thì nước bẩn, nước ô nhiễm - vẫn là thứ mà bà con ngóng đợi vì ai cũng muốn dẫn nước về ruộng của mình.
Còn với nhiều hộ - vì không muốn tiếp tục canh tác bằng nước bẩn - nên từ lâu - họ đã có một lựa chọn khác: đành chấp nhận để ruộng bỏ hoang không cấy lúa trên cánh đồng này nữa.
Trách nhiệm của công ty thủy lợi khi bơm nước bẩn vào ruộng
Dù chưa có thống kê cụ thể về diện tích lúa bị thiệt hại khi bơm nước bẩn vào ruộng, nhưng làm việc với phóng viên, lãnh đạo Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên đã thừa nhận- chất lượng nước trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải thời gian qua không đảm bảo và không đạt yêu cầu để sản xuất nông nghiệp. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng nông sản.
Theo như thông tin mà nhóm phóng viên chia sẻ, chỉ riêng công ty khai thác công trình thủy lợi Hưng Yên, địa phương giao nhiệm vụ tưới tiêu cho hơn 25.000 ha đồng ruộng trên địa bàn toàn tỉnh. Với đơn giá hơn 1 triệu đồng/1 hecta thì trung bình mỗi năm đã được ngân sách địa phương chi trả khoảng 140 tỷ đồng để duy trì hoạt động. Trên hồ sơ đặt hàng nghiệm thu thanh toán là như vậy nhưng trên thực tế, thứ nước người dân nhận về lại là nước bẩn.
Tình trạng người dân ở một số địa bàn của tỉnh Hưng Yên, Hải Dương... phải canh tác bằng nước bẩn chẳng phải là câu chuyện mới vì gần như năm nào cũng vậy. Chỉ có khác là mức độ ô nhiễm của nguồn nước tưới trong hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải ngày càng gia tăng, khi màu nước đen hơn, sủi bọt và nặng mùi hơn.
"Trăm dâu đổ đầu nguồn nước", nếu buông lỏng quản lý để hoạt động xả thải bẩn vào hệ thống thủy lợi diễn ra công khai thì thực sự rất khó để khôi phục lại hiện trạng môi trường như ban đầu.
Thời gian qua, qua thông tin phản ánh của người dân, nhóm phóng viên đã ghi được những hình ảnh về tình trạng xả thải có dấu hiệu ô nhiễm môi trường xảy ra tại Khu Công nghiệp dệt may phố Nối B, ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên - nơi tập trung hàng chục doanh nghiệp dệt nhuộm, vốn phát sinh lượng lớn nước thải trong quá trình sản xuất.
Tình trạng xả thải bẩn vào hệ thống thủy lợi
Dù hệ thống thoát nước đã được thiết kế cẩn thận có nắp che đậy - nhưng cũng không che giấu nổi dòng nước đang được xả tràn từ dưới cống chảy lên. Sự cố tràn nước thải chưa qua xử lý ra môi trường diễn ra trong khoảng 2 giờ đồng hồ sau đó mới được kiểm soát.
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần phát triển hạ tầng dệt may phố Nối, sự cố để tràn nước thải vào hệ thống nước mưa do 2 công ty dệt nhuộm xả thải vào giờ cao điểm với khối lượng lớn- khiến hệ thống thu gom nước thải của khu công nghiệp bị quá tải dẫn đến tràn nước thải ra ngoài.
Khu công nghiệp dệt may phố nối B hiện có 60 doanh nghiệp hoạt động, trong đó 80% công ty dệt nhuộm. Do đặc thù ngành công nghiệp này phải sử dụng hàng chục loại hóa chất khác nhau nên nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất của ngành công nghiệp dệt nhuộm, nếu không được giám sát, xử lý theo một quy trình nghiêm ngặt- thì sẽ là chất độc hủy hoại môi trường nguồn nước. Để được hoạt động, tất cả các công ty bắt buộc phải ký hợp đồng xử lý nước thải với đơn vị vận hành đầu tư khu công nghiệp. Với đơn giá 24.500/m3, chỉ riêng chi phí xử lý nước thải, trung bình mỗi tháng Công ty Jasan Việt Nam đã mất khoảng 3 tỷ đồng.
Hiện trường một xả thải trộm khác cũng được phát hiện tại Khu công nghiệp vào tối ngày 22-3 vừa qua. Doanh nghiệp sử dụng đường ống thoát nước mưa để xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Tại thời điểm phát hiện, nước thải có đỏ nhạt, bốc hơi kèm theo mùi hóa chất nồng nặc.
Do lượng nước thải phát sinh lớn - Khu công nghiệp Dệt May Phố Nối B được coi là một trong những "điểm đen" gây ô nhiễm nguồn nước, khi đã nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm. Trong khi hệ thống thoát nước trong Khu công nghiệp lại được nối thông với Kênh thủy lợi T36 rồi đổ ra sông. Theo người dân - đã từ lâu dòng kênh này vẫn được gọi là dòng kênh chết- vì khó có sinh vật nào có thể tồn tại.
Được thiết kế với công suất tối đa chỉ 10.000m3/ngày đêm, nên nhiều thời điểm nhà máy xử lý nước thải số 1 thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Phía công ty Cổ phần phát triển hạ tầng dệt may phố Nối khẳng định, khi nhà máy xử lý nước thải số 2 với công suất 8.000m3 ngày đêm khi được cấp phép hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải trong khu công nghiệp. Giải pháp lâu dài là vậy còn trước mắt, sau khi tình trạng xả thải bẩn tại khu công nghiệp được báo chí phản ánh, phía đơn vị vận hành đã triển khai một số biện pháp để hạn chế ô nhiễm.
Nếu như gây ô nhiễm mà khắc phục được hậu quả thì có lẽ dòng sông Bắc Hưng Hải sẽ trong xanh trở lại. Còn ruộng lúa của người dân cũng chẳng phải, ngập trong nước thải.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!