Bão Damrey từng gây thiệt hại nặng cho vùng Nam Trung Bộ hồi năm 2017 (ảnh). Bão số 9/2020 được dự đoán còn mạnh hơn cơn bão này rất nhiều.
Nỗi ám ảnh từ cơn bão Damrey
Sức mạnh kinh hoàng của cơn bão Damrey (2017)
Bão Damrey – bão số 12 năm 2017 – đổ bộ vào đất liền Việt Nam khoảng 4h sáng ngày 4/11/2017 với sức gió cấp 13, giật cấp 15-16. Đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào khu vực Nam Trung Bộ kể từ cơn bão số 11 – Mirinae năm 2009 đổ bộ vào phía Bắc Khánh Hòa. Xa hơn nữa là mạnh hơn cơn bão số 8 – Lingling năm 2001 vào Tuy Hòa – Phú Yên. Damrey cũng được xem là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào khánh hòa kể từ cơn bão số 11 – Lola năm 1993.
Đến ngày 8 tháng 11, ít nhất 106 người đã thiệt mạng tại Việt Nam do bão, với 197 người khác bị thương và 25 người mất tích. Lũ lụt lan rộng đã được báo cáo, với hơn 116.000 ngôi nhà đã bị phá hủy hoặc hư hỏng. UNICEF ước tính ít nhất bốn triệu người đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão và cần được hỗ trợ. Vùng biển Nha Trang là một trong những khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất, 30.000 người dân và khách du lịch phải sơ tán khỏi khu vực.
Bão số 9/2020 (Molave) có thể thổi bay người đi bộ
Hồi 07h ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 114,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 230km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Tuy nhiên, tới khoảng 11h sáng ngày 27/10, đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy Văn Quốc gia xác nhận với VTV, Bão số 9 đang mạnh cấp 14, giật cấp 17 - MẠNH HƠN RẤT NHIỀU so với bão Damrey 2017 và mạnh tương đương với bão Xangsane năm 2006. Cơn bão Xangsane này mạnh nhất trên biển là cấp 15, đổ bộ vào Đà Nẵng cấp 13, giật cấp 14, gây thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng.
Theo cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, gần như toàn bộ miền Trung, thậm chí là cả khu vực Tây Nguyên sẽ đều chịu tác động từ gió mạnh.
Gió cấp 8-9 có thể làm gãy cành cây, bay biển hiệu, người đi bộ có thể bị thổi bay. Gió cấp 10-11 sẽ làm đổ cây cối, hệ thống cột điện, nhà cửa thiếu kiên cố như các nhà mái ngói, tấm lợp proximăng. Gây thiệt hại rất nặng.
Còn gió cấp 12 trở lên có thể nhổ bật gốc cây cối, cột điện, cuốn phăng mái tôn của các ngôi nhà. Nhà cấp 4 nguy cơ tốc mái, đổ sập hoàn toàn là rất cao. Ngay cả những nhà kiên cố cũng không thể trụ vững.
Từ những gì kể trên, có thể thấy, sức công phá của bão số 9 là rất mạnh. Ngay từ lúc này, chính quyền trung ương và địa phương đang gấp rút thực hiện các biện pháp di dời dân và phòng tránh rủi ro khi cơn bão vào đất liền.
Bão số 9 cường độ rất mạnh, có thể làm người đi bộ bị thổi bay
Các địa phương chạy đua với thời gian, di dời người dân đến nơi an toàn để ứng phó bão số 9
Phân bổ hàng hóa, thiết bị hỗ trợ nhân dân tại Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: TTXVN)
Tỉnh Quảng Trị dự kiến di dời 6.355 hộ với 17.840 người, bao gồm di dời tại chỗ và di dời tập trung đến khu vực an toàn để tránh bão số 9; đồng thời di dời trên 8.500 hộ với gần 26.000 người thuộc 82/124 xã, phường, thị trấn để tránh ngập lụt. Trong trường hợp ngập lụt diễn ra nghiêm trọng do mưa bão, tỉnh Quảng Trị di dời trên 15.300 hộ với trên 49.000 người ở 98/124 xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, tỉnh còn sơ tán 514 hộ với trên 2.200 người ở hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông sinh sống trong vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu.
Tỉnh Quảng Trị di dời dân theo nguyên tắc, ưu tiên di dời tại chỗ đến các nhà kiên cố cao tầng và an toàn gần nhất trong khu vực; di dời tập trung tại các điểm đã được lựa chọn như: Nhà cộng đồng; công sở; trường học. Thời gian hoàn thành di dời dân trước 18h ngày 27/10.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu trước 15h ngày 27/10 sẽ hoàn thành di dời những hộ dân ở vùng xung yếu, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, chia cắt. Còn người dân thành phố Đà Nẵng từ ngày 26/10 đã gấp rút mua sắm trang thiết bị gia cố nhà cửa như bao bì đựng cát, đinh vít, dây kẽm, tôn… Ngoài bao cát, các mặt hàng như dây, đèn pin, các vật dụng tích điện... cũng được tìm mua nhiều. Lãnh đạo thành phố cũng khuyến cáo người dân không lưu thông trên đường từ chiều tối 27/10.
Cùng với Đà Nẵng và Bình Định, tỉnh Quảng Nam cũng quyết định cho học sinh các cấp nghỉ học ngày 27-28/10. Yêu cầu các trường đề phòng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đảm bảo an toàn trong việc đi lại. Chằng chống phòng học và cây xanh, trong khuôn viên trường học. Vận chuyển tài liệu, sách vở, các trang thiết bị đến nơi cao ráo.
Trước đó, tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi cũng đã đi vận động di dời, sơ tán hàng chục nghìn hộ dân đến nơi trú ẩn an toàn ngay trong đêm 26/10 và rạng sáng 27/10.
Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp ứng phó với bão vào sáng 26/9 (Ảnh:TTXVN)
Sáng 27/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó bão số 9 tại TP Đà Nẵng. Theo quyết định, thành phần Ban Chỉ đạo tiền phương gồm: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn làm Trưởng ban.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai làm Phó Trưởng ban.
Các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng và Văn phòng Chính phủ.
Ban Chỉ đạo tiền phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 9 một cách hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại, thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong quyết định, Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị hậu cần, bố trí trang thiết bị, phương tiện, thông tin liên lạc bảo đảm cho hoạt động của Ban Chỉ đạo tiền phương trong mọi tình huống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!