"Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội", "Không thể đạt được sự phát triển bền vững nếu không quan tâm đến văn hóa" là những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021.
Nhằm cụ thể hóa những chỉ đạo trong bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, sáng 18/4, tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL tổ chức Diễn đàn "Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa". Sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động Ngày văn hóa các Dân tộc Việt Nam.
Văn hóa của các dân tộc thiểu số là sự sáng tạo của người dân từ nhiều đời và được truyền từ đời này sang đời khác, lâu dần nó trở thành giá trị văn hóa. Quan điểm của Đảng khẳng định các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam luôn là sức mạnh nội sinh bền vững, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhưng thực tiễn, những giá trị này đang bị mai một, chưa được bảo tồn, phát huy đúng mức ở một số địa phương.
Việc lựa chọn tiếp thu văn hóa trong quá trình giao lưu văn hóa giữa các tộc người như thế nào? Mục tiêu được đặt ra là làm sao để giá trị cốt lõi của truyền thống văn hóa Việt Nam được thẩm thấu vào mọi lĩnh vực xã hội, vào lối sống của cộng đồng, tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh là nhiệm vụ của ngành văn hóa hiện nay.
54 dân tộc anh em với bản sắc, phong tục, trang phục riêng đóng góp vào kho tàng đồ sộ của văn hóa Việt Nam. Nhiều di sản được UNESCO vinh danh như Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Xòe Thái của đồng bào Tây Bắc. Do đó, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc không chỉ xây dựng môi trường văn hóa mà còn góp phần tăng cường sự đoàn kết giữa các dân tộc - sức mạnh nội sinh để phát triển bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!