Cồng chiêng là nhạc cụ rất phổ biến trong đồng bào dân tộc ít người. Với bà con sinh sống ở Trường Sơn và Tây Nguyên, cồng chiêng là một thành tố quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần, kết nối cộng đồng. Trước đây, đã từng có lúc các nhà văn hoá lo lắng về sự thất truyền những bài chiêng cổ luôn, thì nay, tại các ngôi làng của đồng bào vùng cao Quảng Nam, cồng chiêng đã được gìn giữ, bảo tồn dường như nguyên vẹn. Đây được xem là điểm sáng trong việc xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn văn hóa đồng bào vùng cao, tạo dựng sự kết nối cộng đồng ngày càng gắn bó.
A Tiêng là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện biên giới Tây Giang. Ở vùng cao này, hầu như làng nào cũng có một đội cồng chiêng. Đồng bào các dân tộc ít người sống dọc dãy Trường Sơn quan niệm, chiêng là nhạc cụ giúp con người giao tiếp với thế giới thần linh. Đón khách, mừng lúa mới, ăn Tết mùa là những bài chiêng cổ đã thấm vào máu của bao thế hệ. Với đồng bào Cơ Tu, cồng chiêng thể hiện sức mạnh của đàn ông, sự uyển chuyển của người phụ nữ.
Ngoài bảo tồn văn hóa cồng chiêng ngay tại cộng đồng làng, nhiều năm nay, chính quyền các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đã đưa cồng chiêng vào trường học. Mỗi lớp một đội cồng chiêng, cuối tuần, các em tập luyện và thi diễn. Nhờ vậy, các trường dân tộc nội trú của tỉnh Quảng Nam có nhiều đội cồng chiêng đi biểu diễn giao lưu tại nhiều địa phương trên cả nước. Hàng năm, tỉnh Quảng Nam còn tổ chức ngày hội cồng chiêng để đồng bào các dân tộc miền núi có dịp giới thiệu những bài chiêng tiêu biểu nhất của đồng bào mình.
Tiếng chiêng dường như có sức mạnh vô hình chảy xuyên suốt qua nhiều thế hệ đồng bào các dân tộc sống dưới chân núi Trường Sơn. Vào mùa lễ hội, ngược rừng, đến bất cứ ngôi làng đồng bào Xê Đăng, Ca Dong, Kor, Giẻ Triêng hay Cơ Tu, tiếng chiêng trầm hùng, vang vọng khắp 7 núi 10 sông để thông báo: Làng đang vào hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!