Bảo vệ bệnh viện trước nguy cơ COVID-19 "công phá" những thành trì quan trọng chống dịch

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 03/06/2021 20:08 GMT+7

VTV.vn - Nếu dịch COVID-19 "công phá" vào các bệnh viện sẽ uy hiếp sự an toàn của những thành trì quan trọng chống dịch.

Sau khi "công phá" vào một loạt bệnh viện tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, thậm chí là cả thành trì kiên cố nhất - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, dịch COVID-19 đã bắt đầu "tấn công" vào các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh. Không chỉ người bệnh, đã có cả các nhân viên y tế cũng nhiễm bệnh.

Sáng nay (3/6), thêm một nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn được xác định mắc COVID-19. Bệnh viện phải tạm thời phong tỏa. Nhân viên y tế mắc COVID-19 tại đây là một kỹ thuật viên xét nghiệm, đã tự làm mẫu xét nghiệm nhanh và cho kết quả dương tính. Ngay khi có kết quả, nhân viên này đã báo cho bệnh viện. Thực hiện xét nghiệm lần thứ 2 vẫn cho kết quả dương tính. Bệnh viện đã thực hiện biện pháp phong tỏa, không nhận bệnh nhân và báo cáo với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. Bệnh phẩm của nhân viên y tế này cũng được tiến hành xét nghiệm RT- PCR và cho kết quả dương tính.

Đây là bệnh viện thứ 2 sau Bệnh viện quận Tân Phú thực hiện phong tỏa toàn bệnh viện sau khi phát hiện có nhân viên dương tính với SARS-CoV-2.

Bảo vệ bệnh viện trước nguy cơ COVID-19 công phá những thành trì quan trọng chống dịch - Ảnh 1.

Tính đến chiều nay (3/6), đã có 6 bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh bị phong tỏa do liên quan đến các ca mắc COVID-19. Trong đó, 3 bệnh viện phong tỏa toàn bộ và 3 bệnh viện phong tỏa một phần.

4 bệnh viện tạm thời dừng hoạt động khám bệnh ngoại trú do có ca dương tính từng đến khám gồm Bệnh viện Quận Bình Thạnh, Bệnh viện Phụ sản Mê kông, Bệnh viện Tâm Thần (cơ sở Lê Minh Xuân), Bệnh viện quận Gò Vấp.

2 bệnh viện tạm thời phong tỏa do có nhân viên dương tính với SARS-CoV-2 gồm Bệnh viện Quận Tân Phú (2 nhân viên), Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn (1 nhân viên).

Ngoài ra, có 2 phòng khám tạm dừng hoạt động do phát hiện ca dương tính từng đến khám gồm Phòng khám đa khoa Trần Diệp Khanh (Quận Gò Vấp), Phòng khám đa khoa Xóm Mới (Quận Gò Vấp).

Bảo vệ bệnh viện trước nguy cơ COVID-19 công phá những thành trì quan trọng chống dịch - Ảnh 2.

Từ ngày 3/6, Bệnh viện Đa khoa quận Gò Vấp tạm dừng khám bệnh ngoại trú do có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đến khám bệnh. Ảnh: TTXVN.

Riêng với Bệnh viện Hoàn Mỹ và Bệnh viện Nhân dân Gia Định - 2 bệnh viện đã phát hiện 5 ca của chùm ca bệnh liên quan đến Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng, do có sự chuẩn bị từ trước và có 2 khu khám bệnh cách ly riêng dành cho đối tượng bị sốt, ho nên khi phát hiện các ca bệnh không ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện. Mặc dù vậy, 2 bệnh viện này vẫn tạm dừng hoạt động 2 ngày để phun khử khuẩn theo đúng quy trình. Hiện tại, 2 bệnh viện này đã hoạt động trở lại bình thường.

Việc dịch bệnh xâm nhập vào các bệnh viện là cực kỳ nguy hiểm bởi đây là khu vực có nhiều người thường xuyên ra vào. Các bệnh nhân đang điều trị các bệnh lý nền nếu mắc thêm COVID-19 bệnh sẽ diễn biến nhanh hơn, khó điều trị hơn. Ví dụ như trong đợt dịch bệnh bùng phát lần thứ 2 tại Đà Nẵng, nhiều bệnh nhân tại các bệnh viện đã tử vong sau khi mắc COVID-19 do bệnh lý nền quá nặng.

Tính đến thời điểm này, các chuỗi COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đều phát hiện tại bệnh viện. Đây là nguy cơ không nhỏ uy hiếp sự an toàn của hệ thống chăm sóc sức khỏe của thành phố, thành trì quan trọng để chống dịch. Bằng các biện pháp kiểm soát dịch, các bệnh viện vẫn đang bảo vệ vững chắc thành trì này, dù phải đương đầu với muôn vàn khó khăn. Trong thời gian tới, cả bệnh nhân và thân nhân người bệnh đều phải được lấy mẫu tầm soát SARS-CoV-2. Đồng thời yêu cầu người đến khám chủ động đến khám tầm soát để kịp thời ngăn chặn bệnh dịch không lây lan trong bệnh viện.

Bảo vệ bệnh viện trước nguy cơ COVID-19 công phá những thành trì quan trọng chống dịch - Ảnh 3.

Nhân viên Bệnh viện quận Tân Phú túc trực kiểm soát người ra vào ở khu vực cổng bệnh viện. Ảnh: TTXVN.

Cũng theo thông tin từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, ngay trong những ngày tới, một số bệnh viện tại thành phố này sẽ bắt đầu áp dụng mô hình bệnh viện tách đôi, nghĩa là một nửa bệnh viện tách biệt hẳn với một nửa còn lại với cổng vào riêng, những khối nhà riêng. Một nửa bệnh viện sẽ được bố trí buồng áp lực âm, giường hồi sức, các buồng bệnh thông thoáng không dùng điều hòa trung tâm và cả khu vực cận lâm sàng riêng biệt, trong đó có xét nghiệm PCR chẩn đoán COVID-19. Dự kiến mô hình này sẽ được áp dụng đầu tiên tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.

Tại Hà Nội, chỉ cách đây hơn 1 tháng, COVID-19 cũng đã xâm nhập vào những bệnh viện đang điều trị những căn bệnh hiểm nghèo, đó là Bệnh viện K và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. An toàn bệnh viện là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Ngay cả khi không có dịch, trong cộng đồng vẫn có nguy cơ.

Bài học từ Bệnh viện Phổi Trung ương là một ví dụ. Trước đây, nguồn bệnh có thể đến từ bên ngoài. Nhưng tại Bệnh viện Phổi Trung ương, dịch bệnh lại từ chính nhân viên y tế. Vì vậy, những ngày này, công tác phòng dịch trong Bệnh viện Phổi Trung ương tiếp tục được nâng lên những mức an toàn cao hơn.

Không chủ quan, lơ là, thực hiện đúng những quy định kiểm dịch gắt gao, bảo vệ nhân viên y tế, bảo vệ bệnh nhân mới bảo vệ được bệnh viện.

Mặc dù dịch bệnh xâm nhập khá nghiêm trọng nhưng nhờ làm tốt công tác khống chế, kiểm soát, hiện tất cả các bệnh viện từng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 tại Hà Nội đã quay trở lại khám chữa bệnh bình thường. Hy vọng các y bác sĩ, các bệnh nhân tại các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh sẽ đồng sức đồng lòng, sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, vất vả này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước