Bảo vệ quyền lợi các nước đang phát triển trước biến đổi khí hậu

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 15/12/2015 21:48 GMT+7

VTV.vn - Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Trưởng Đoàn đàm phán Việt Nam tại COP 21 đã chia sẻ về bảo vệ quyền lợi của các nước đang phát triển, dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh là Phó Trưởng Đoàn đàm phán Việt Nam tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) tại Paris, Pháp , người đã trực tiếp tham gia các phiên đàm phán kéo dài suốt 13 ngày căng thẳng vừa qua.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, trong tiến trình đàm phán, có rất nhiều diễn đàn khác nhau để bảo vệ và thúc đẩy quyền lợi của các nước đang phát triển, dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Một trong những diễn đàn quan trọng nhất là Nhóm G77 và Trung Quốc với 134 nước thành viên, trong đó có Việt Nam là nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, đặc biệt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Với các cuộc đàm phán diễn ra rất gay go, quyết liệt và kéo dài cả ngày lẫn đêm, về cơ bản, Thỏa thuận Paris phù hợp, đáp ứng được lợi ích của các nước đang phát triển, thể hiện ở 3 điểm chính:

Thứ nhất, các điều khoản của Thỏa thuận Paris đã bảo đảm không gian phát triển của các nước đang phát triển, hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện quyền phát triển, trong đó có nhu cầu về xóa đói nghèo.

Thỏa thuận Paris đã củng cố các nguyên tắc quan trọng, cơ bản của Công ước khung của Liên Hợp Quốc năm 1992 về biến đổi khí hậu, trong đó có nguyên tắc công bằng và nguyên tắc "trách nhiệm chung nhưng khác biệt". Theo đó, tất cả các nước đều có trách nhiệm song mức độ cam kết về cắt giảm phát thải khí nhà kính và mức độ đóng góp sẽ khác nhau tùy thuộc vào điều kiện và khả năng của từng nước, trong đó các nước phát triển phải đi đầu.

Thứ hai, Thỏa thuận Paris bảo vệ quyền của các nước đang phát triển được hỗ trợ để chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là các hỗ trợ về tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực, trong đó tập trung nhiều hơn vào các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu để bảo đảm sự cân bằng với các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính.

Thứ ba, Thỏa thuận Paris đã dành riêng một điều khoản riêng về bù đắp các tổn thất và thiệt hại do tác động của các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu; kêu gọi các nước tăng cường trao đổi và hỗ trợ lẫn nhau để bù đắp các tổn thất và thiệt hại này.

Tại Hội nghị COP 21, đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia đàm phán trên cơ sở bám sát chủ trương đàm phán đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Trưởng đoàn đàm phán - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, qua đó góp phần tích cực vào việc thúc đẩy và bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển nói chung và của Việt Nam nói riêng; đồng thời thể hiện Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước