Bảo vệ trẻ ngay từ trong bụng mẹ bằng vaccine

P.V-Thứ sáu, ngày 02/12/2022 08:00 GMT+7

VTV.vn - Thiếu sót, trì hoãn hay quên tiêm vaccine phòng bệnh trước và trong mang thai có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng người mẹ và đe dọa đến sự phát triển của trẻ.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,6 triệu trẻ sơ sinh không sống qua được tháng đầu tiên của cuộc đời. Trong đó, 1 triệu trẻ tử vong trong ngày đầu tiên sau sinh vì các vấn đề có thể ngăn ngừa được, đặc biệt nguy hiểm là các bệnh nhiễm uốn ván, thủy đậu, cúm, rubella… Tiêm chủng vaccine vẫn chưa đạt tỷ lệ bao phủ cao để bảo vệ cả thai phụ, thai nhi và trẻ sơ sinh chào đời.

Trong thai kỳ, hệ miễn dịch của mẹ bầu giảm xuống thấp nhất để tránh các phản ứng đào thải thai nhi và nuôi dưỡng thai nhi được tốt nhất. Nếu trước đó thai phụ không được tiêm các vaccine phòng bệnh thì rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như: cúm, uốn ván, ho gà, bạch hầu, sởi, rubella, quai bị, thủy đậu,... tăng nguy cơ bội nhiễm dẫn đến các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm đường tiết niệu, viêm não.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết, khi mang thai, người mẹ hình thành trạng thái ức chế miễn dịch, nếu mắc các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh hô hấp như cúm, viêm phổi… sẽ khiến chức năng phổi của người mẹ bị tổn hại do tử cung ngày càng lớn, làm hạn chế sự giãn nở của phổi. Điều này có thể đe dọa trực tiếp đến hệ hô hấp của thai phụ, gián tiếp ảnh hưởng đến thai nhi gây sảy thai, thai chết lưu, hoặc sinh non. Trẻ sinh ra có nguy cơ cao phải mang dị tật bẩm sinh rất nặng nề, thậm chí tỷ lệ tử vong cao trong những tháng đầu đời.

"Những bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với thai phụ và thai nhi là uốn ván, thủy đậu, cúm, rubella… Trong đó, uốn ván sơ sinh có tỷ lệ mắc rất cao trong quá trình cắt dây rốn cho trẻ ngay sau khi chào đời, khi các dụng cụ không được vệ sinh tiệt trùng đúng cách. Nếu nhiễm uốn ván sơ sinh, trẻ có nguy cơ tử vong đến 95%. Nếu thai phụ mắc cúm, thủy đậu, rubella… trong vòng 3 tháng đầu thai kỳ - giai đoạn hình thành, phân chia, phát triển các bộ phận quan trọng thì thai nhi có nguy cơ cao bị dị tật nặng nề: câm, điếc, liệt, mù, não úng thủy…" BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi cho biết thêm.

Chúng ta có thể ngăn chặn nguy cơ biến chứng và tử vong, cứu sống được phần lớn thai nhi và trẻ sơ sinh với các giải pháp chăm sóc y tế có chất lượng với giá cả hợp lý. Chỉ một vài bước nhỏ mà ai cũng có thể thực hiện - như tiêm vaccine - sẽ giúp trẻ có khởi đầu khỏe mạnh, an toàn từ những ngày đầu đời. Đặc biệt, việc tiêm vaccine đầy đủ trước và trong khi mang thai giúp trẻ nhận miễn dịch thụ động từ người mẹ, tăng cường sức đề kháng ngay khi còn trong bụng mẹ, tránh được nguy cơ mắc bệnh trong những ngày đầu đời, trước khi bé đủ tuổi chủng ngừa.

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC phân tích: Phụ nữ mang thai còn được ví là một cơ thể nhưng hai tính mạng, do đó tiêm loại vaccine nào và thời điểm tiêm được quy định rất nghiêm ngặt, chặt chẽ. Lý tưởng nhất là trước khi mang thai 3 tháng, phụ nữ hoàn tất tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh sởi - quai bị - rubella, thủy đậu, viêm gan A, viêm gan B. Tiếp theo đó, trước khi mang thai 1 tháng, phụ nữ hoàn tất tiêm các vaccine phòng cúm; phế cầu khuẩn; viêm màng não mô cầu A,C,Y,W; ung thư cổ tử cung và các bệnh do HPV; ho gà - bạch hầu - uốn ván. Trong trường hợp đã có thai nhưng vẫn chưa được tiêm phòng, mẹ bầu chỉ có thể tiêm bổ sung một số loại vaccine như cúm, uốn ván, ho gà - bạch hầu - uốn ván; ngoài ra có thể cân nhắc tiêm vaccine viêm gan B, vaccine viêm màng não mô cầu A,C,Y,W nếu thai phụ có nguy cơ cao mắc bệnh.

Cần lưu ý rằng các vacicne sởi - quai bị - rubella, thủy đậu là những vaccine sống giảm độc lực không được tiêm cho phụ nữ mang thai, trong khi đó đây là những bệnh đặc biệt nguy hiểm vì có thể gây nguy cơ biến chứng thai kỳ và dị tật thai nhi. Do đó, trước khi có ý định mang thai, phụ nữ nên có kế hoạch tiêm vaccine đầy đủ.

"Riêng với vaccine cúm nên tiêm nhắc lại mỗi năm 1 lần để đạt hiệu quả phòng bệnh tối đa khi được cập nhật chủng virus cúm lưu hành trong mỗi năm. Đối với thai phụ, nếu không kịp tiêm vaccine cúm trước khi mang thai thì có thể tiêm từ tháng mang thai thứ 4 trở đi (3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ) để phòng bệnh cho cả mẹ và bé. Thêm một tin vui cho bà bầu là vaccine ho gà - bạch hầu - uốn ván Boostrix đã tiêm được cho mẹ bầu từ 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ (tốt nhất ở tuần thứ 27-36 của thai kỳ), giúp thai nhi và trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời có cơ hội phòng bệnh sớm"- BS Chính nhấn mạnh.

Để hành trình "vượt cạn" an toàn, tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch trước và trong quá trình mang thai là cách bảo vệ người mẹ và thai nhi hiệu quả, tiết kiệm nhất. Đồng hành cùng phụ nữ mang thai bảo vệ sức khỏe thai kỳ toàn diện nhất, VNVC tổ chức chương trình Tư vấn sức khỏe trực tuyến: "Tiêm vaccine cho phụ nữ trước & trong mang thai", với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu:

1. BS.CKI Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.

2. BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC.

3. BS Lưu Bằng Phi, Bác sĩ Trưởng Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC.

2

Chương trình diễn ra vào 20h Thứ Sáu, ngày 2/12/2022 tại các website: thanhnien.vn, vnvc.vn, tamanhhospital.vn, nutrihome.vn. Livestream ứng dụng VTVGo và các fanpage: Trung tâm Tin tức VTV24, VTV8 - Đài Truyền hình Việt Nam, VnExpress, Thanhnien.vn, THVL - Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long, VNVC - Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn; Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Nutrihome - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng; kênh Youtube VNVC, Youtube Báo Thanh Niên, Youtube Truyền hình Vĩnh Long.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước