Cháu bé trú tại trú tại tỉnh Đắk Lắk, nhập viện 4 ngày trước, trong tình trạng đa vết thương hàm, mặt, ngực, dập nát hoàn toàn xương 2 bàn tay, chảy nhiều máu. Do vết thương quá nặng, các bác sĩ phải phẫu thuật cắt bỏ 2 bàn tay để tránh nhiễm trùng.
Gia đình cho biết, cháu sang nhà bác chơi, cùng anh họ 14 tuổi tự chế pháo, dẫn đến tai nạn. Vụ tai nạn đáng tiếc cũng khiến người anh họ bị thương ở mắt phải và ở chân.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Trực (Trưởng khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), từ cuối năm 2022 đến nay, chỉ tính riêng Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận 5 trường hợp bị tai nạn do tự chế pháo nổ, có 2 trường hợp đã tử vong. “Đa số các bệnh nhân vào viện do tai nạn pháo nổ chủ yếu là thiếu niên. Ở độ tuổi này, trẻ suy nghĩ chưa chín chắn, thích tìm tòi, khám phá và chưa lường trước được những tác hại khủng khiếp do việc tự chế pháo nổ gây ra. Hơn thế nữa, hiện nay, việc mua các nguyên liệu để chế tạo pháo nổ quá dễ dàng thông qua mạng xã hội”, bác sĩ Trực nói.
Để ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc tiếp tục xảy ra, các bậc phụ huynh, gia đình cần quan tâm và có biện pháp răn đe, giám sát con em mình chặt chẽ hơn và giải thích cho trẻ hiểu về những hậu quả đau lòng do làm pháo tự chế. “Pháo tự chế gây nổ không có thể gây tử vong vaà còn gây phỏng, chấn thương phần mềm mà còn nguy hại đến hệ hô hấp, tổn thương mắt. Trong trường hợp lượng pháo nổ không lớn vẫn có thể nhiễm độc khói hóa chất, đặc biệt đối với người có tiền sử bệnh hen suyễn, hô hấp…”, bác sĩ Trực khuyến cáo thêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!