Bé gái gặp biến chứng do viêm mũi họng kéo dài

Thanh Ba-Thứ ba, ngày 05/12/2023 10:56 GMT+7

Viêm VA gây biến chứng viêm tai ở trẻ. Ảnh: BVCC

VTV.vn - Bé Dương, 2 tuổi, sổ mũi, nghẹt mũi, ho, viêm tai giữa điều trị hai tháng không khỏi, bác sĩ nội soi chẩn đoán viêm mũi họng, viêm VA gây biến chứng.

Lúc sinh bé Dương nặng 3,6 kg, phát triển thể chất, vận động bình thường trong năm đầu đời. Sau đó, bé có biểu hiện biếng ăn, chiều cao cân nặng thấp so với chuẩn. Hai tháng trước, bé được chẩn đoán mắc viêm tai giữa, viêm mũi họng, điều trị không bớt. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám.

Ngày 5/12, ThS.BS Nguyễn Thùy Linh, khoa Tai Mũi Họng, cho biết tai bệnh nhi có nhiều dịch vàng, màng nhĩ phải kém sáng, khe và sàn mũi nhiều dịch nhầy mủ đặc, amidan nề đọng dịch.

Các bác sĩ chẩn đoán phì đại VA (mô lympho vòm mũi họng) độ III, biến chứng viêm tai phải dai dẳng, thường tái phát, gây biếng ăn, suy dinh dưỡng. VA là một bộ phận của hệ bạch huyết có chức năng bảo vệ đường hô hấp, nhưng VA viêm trở thành ổ chứa các vi khuẩn gây bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất của trẻ.

Bác sĩ chỉ định phẫu thuật nạo VA bằng dao plasma, đặt ống thông màng nhĩ bên phải. Phương pháp này sử dụng dao có gắn camera và năng lượng từ sóng tần số radio cao giúp lấy toàn bộ VA, phá hủy các mô viêm triệt để.

Bệnh nhi xuất viện sau 48 giờ phẫu thuật, sức khỏe ổn định.

Viêm VA là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ (tỷ lệ 30-40% trẻ em Việt Nam), nhất là trong giai đoạn 6 năm đầu đời, mỗi năm trẻ có thể xuất hiện 4-6 đợt viêm cấp. Bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn bằng nội khoa, tuy nhiên ở một số trường hợp VA kéo dài, tái phát nhiều lần gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, bác sĩ thường chỉ định cắt bỏ để điều trị dứt điểm.

Theo bác sĩ Linh, nhiều cha mẹ lo lắng cắt amidan, nạo VA có thể ảnh hưởng đến cơ chế sản sinh hệ miễn dịch ở trẻ nên chần chừ, ngay cả khi bác sĩ có chỉ định. Nếu để viêm VA kéo dài ảnh hưởng đến phát triển của trẻ, có thể biến chứng viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm xoang tái đi tái lại. Viêm VA kéo dài làm tăng thể tích VA, ngăn cản không khí ra vào, khiến trẻ hay ngạt mũi, khó thở, ngưng thở khi ngủ.

Viêm VA từ cấp độ ba trở lên được đánh giá nghiêm trọng, dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm cho đường hô hấp, viêm đường ruột, viêm cầu thận, viêm màng não hay viêm màng tim, đe dọa tính mạng trẻ.

Triệu chứng viêm VA gồm sốt, khó thở, nghẹt mũi, thở khò khè, ho, chảy nước mũi, biếng ăn, quấy khóc… Dấu hiệu này thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Bác sĩ Linh khuyến cáo trẻ có dấu hiệu viêm VA cần được khám và điều trị kịp thời trước khi bệnh nặng hơn, gây biến chứng. Nạo VA bằng dao plasma là phương pháp tiết kiệm thời gian, ít gây đau và chảy máu cho trẻ. Các tế bào mô sau khi được loại bỏ bằng dao plasma lành nhanh, có thể xuất viện sớm.

* Tên người bệnh đã được thay đổi

20h ngày 5/12, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức tư vấn trực tuyến "Viêm VA và amidan ở trẻ em và người lớn - Dấu hiệu và biến chứng nguy hiểm".

ThS.BS Dương Đình Lương và ThS.BS Nguyễn Thùy Linh, khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện sẽ tham gia tư vấn.

Độc giả gửi câu hỏi tại đây để bác sĩ giải đáp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước